Chùa Tre có tên chữ là Diễn Phúc Tự được dựng vào đời Khai Thái thứ 5, mùng 7 tháng Giêng năm Mậu Thìn (1328), tức đời vua Trần Minh Tông. Hiện nay tại chùa còn giữ lại nhiều cổ vật khoảng 700 năm tuổi. Điểm nhấn của chùa là nhà tiền đường 5 gian, quay về phía tây nhìn ra sông Nhuệ. Trải qua thăng trầm thời gian, ngôi chùa đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, mái ngói nhiều chỗ đã bị xô, vỡ vụn để lộ ra nhiều lỗ thủng lớn, tường nhà nứt, cửa gỗ, nhiều cột gỗ bị mối mọt ăn mục rỗng bên trong. Trước cửa chùa có một cây cổ thụ với bộ rễ to, phá vỡ nền gạch xung quanh. Bia đá có chiều cao khoảng 1 m, rộng 80 cm, quanh diềm bia chạm hoa dây đặc trưng phong cách Lý - Trần, trán bia hiện còn hình một con rồng uốn lượn nhiều vòng nhỏ dần về sau, với những nét khắc rõ ràng, mạch lạc, dưới chân bia là diềm hoa văn sóng thủy ba cũng là một đặc trưng phong cách đời Trần. Do đã gần 700 năm tuổi, ngôi chùa này phải gắn biển cảnh báo nguy hiểm trước cửa ra vào của chùa. Phía trong chính điện của chùa cũng đang có các dấu hiệu hư hỏng nặng. Các bức phù điêu bằng gỗ khắc hình rồng thời Trần cũng bị mối mọt. Nhiều vị trí tường vôi đã nứt thành từng mảng lớn. Nền gạch bong tróc, hệ thống cửa và cột kèo bị mối mọt đục rỗng bên trong. Xung quanh chùa cỏ mọc um tùm, nhiều vật liệu xây dựng như gạch chất rất nhiều trong sân chùa tạo cảnh hoang tàn. Có những chiếc cột đã bị mối đục khoét rỗng bên trong. Phía trước sân, tượng Phật Quan Âm cao 5 mét có dấu hiệu bị nứt vỡ. Đôi sấu đá ở thành bậc tiền đường cũng là căn cứ về thời đại dựng chùa là thời Trần. Đây là linh vật phổ biến thời Lý - Trần, xuất hiện trước nghê đá thường phổ biến ở thế kỷ XVI trở lên. Sấu đá cổ đeo chuông, mình tròn hơn so với chó đá, tư thế nằm nhưng sẵn sàng chạy, đầu ngẩng và không chạm chi tiết như nghê đá sau này.