Nằm cách trung tâm thành phố Huế 35 km về hướng Bắc, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) bên bờ sông Ô Lâu đã có tuổi đời trên 500 năm.
Với nhiều giá trị, Phước Tích đã được xếp hạng di tích quốc gia. Tới nay, làng đã trở thành điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Sử sách ghi lại, làng Phước Tích được thành lập vào năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Trải qua hơn 500 năm với biết bao thăng trầm thế cuộc, làng vẫn tồn tại lặng lẽ bên bờ sông Ô Lâu nước trong xanh văn vắt. Trong làng, tới nay vẫn là không gian yên ả tĩnh lặng, phong cảnh hữu tình với cây đa, bến nước, sân đình…
Trong lịch sử vể vang của mình, Phước Tích còn được biết đến với nhiều tên gọi khác, như làng trường thọ, làng nhà giáo, làng bánh…, bởi ở đây có rất nhiều cụ già dù tuổi cao nhưng rất khỏe mạnh và cũng là làng có nhiều người làm nghề giáo, là nơi nổi danh với nhiều loại bánh ngọt như phu thê, bánh khoai tía…
Làng cổ Phước Tích còn nổi danh với những lò gốm. Có lúc, làng có tới hơn 100 lò gồm, nổi lửa tất cả các ngày trong năm. Gốm Phước Tích tinh xảo, màu men đẹp, họa tiết trên bình gốm cổ kính mà gần gũi. Xưa kia, gốm Phước Tích được nhiều vị vua chúa nhà Nguyễn yêu thích. Không chỉ là gốm để bày biện mà còn cả những sản phẩm dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Trong làng, đến nay vẫn còn cây thị già nua với hơn 550 năm tuổi. Cây thị được coi là “công dân” lâu đời nhất của làng, chứng kiến biết bao vui buồn theo dòng chảy bất tận của thời gian. Cũng không biết ai là người trồng cây thị này, nhưng cây đã sống dai hơn bất cứ ai, trở thành niềm tự hào của người dân Phước Tích. Sau này, cây thị làng Phước Tích đã được công nhận là Cây di sản, thì danh tiếng của cây lại càng vang xa.
Thời gian đầu ngôi làng này có tên là Phúc Giang, với “Giang” là chỉ một vùng sông nước, “Phúc” trong ý nghĩa phúc lộc, phúc đức. Dưới thời Tây Sơn, tên ngôi làng được đổi thành Hoàng Giang, để tưởng nhớ công ơn khai phá, xây dựng làng của dòng họ Hoàng.
Khi tới thời vua Gia Long, ngôi làng này được đổi tên thành Phước Tích, với mong muốn người dân trong làng sẽ tích được nhiều phúc đức để lại cho đời sau.
Một son số thống kê cho biết, trong làng có khoảng trên dưới 117 hộ dân, với gần 30 nhà cổ, gồm 10 nhà thờ, còn lại phần đa là những ngôi nhà rường đặc trưng của Xứ Huế, được thiết kế theo lối 3 gian 2 chái. Trong đó có tới 12 ngôi nhà rường được xếp hạng có giá trị đặc biệt.
Những ngôi nhà rường trong làng đều có một khu vườn rộng và cách nhau bởi những hàng chè xanh thẳng tắp. Người ta cho rằng, do nằm cạnh làng mộc Mỹ Xuyên nên người dân trong làng Phước Tích ít nhiều cũng được thừa hưởng khả năng trạm trổ, điêu khắc gỗ độc đáo.
Trong làng Phước Tích, cùng với những ngôi nhà rường thì còn có nhiều công trình thờ tự đậm chất của làng quê xưa. Nổi bật nhất là miếu Cây Thị hay còn gọi là Miếu Bà. Người dân trong làng luôn coi đây là chốn thờ tự linh thiêng nhất. Miếu Cây Thị nằm bên cây thị cổ, càng làm tăng giá trị linh thiêng. Không chỉ vậy, ở làng Phước Tích còn có chùa Phước Bửu, miếu Quang Tế, đình làng Trung, miếu Âm hồn, đền Văn Thánh… và các khu mộ tổ của các dòng họ trong làng, đều rất đặc biệt do đã phủ màu thời gian.
Trở lại với miếu Cây Thị, người ta cho rằng miếu có cùng tuổi với cây thị cổ, có nghĩa là cũng đã hơn 500 năm tuổi. Có người cho rằng, thấy cây thị sum suê nên người làng đã dựng miếu ngay dưới gốc cây. Nhưng cũng có người cho rằng, người xưa chọn thế đất, dựng ngôi miếu trước rồi mới đem cây thị về trồng để lấy bóng mát. Dù thế nào đi chăng nữa thì đã hàng trăm năm qua, miếu và cây thị cổ luôn song hành gắn bó, trở thành biểu tượng đặc sắc của làng Phước Tích.
Cây thị to đến nỗi bà con trong làng cho biết, thời chiến tranh, lòng của cây từng là nơi trú ẩn của 12 chiến sĩ bộ đội. Để ẩn náu được như vậy, các chiến sĩ đã dùng ván gỗ đóng thành bậc thang trong lòng cây và từ gốc đến ngọn.
Thật đáng nể phục khi biết rằng người xưa chọn vị thế của cây thị và miếu nằm ở chính giữa ngôi làng. Từ đây, các ngả đường sẽ dẫn đi đến từng xóm, từng nhà. Cây thị cao gần 30 mét, nhiều người ôm mới xuể, nhưng trong thân cây nhiều đoạn đã bị rỗng. Nhưng cây vẫn xanh tốt, không có dấu hiệu của sự tàn tạ.
Còn ngôi miếu bên cạnh cây thị mang đậm nét kiến trúc thờ tự xưa, có bình phong phía trước tôn lên sự trang nghiêm. Cửa ra vào trang trí hình chim Phượng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là kiến trúc mô phỏng kiến trúc miếu thờ Thánh Mẫu PoNagar của người Chăm nhưng đã được Việt hóa. Đến nay, việc cúng tế tại miếu vẫn được duy trì và diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng hằng năm, cũng là ngày Xuân tế của làng.
Các dòng họ, các gia đình trong làng Phước Tích đều có truyền thống hiếu học. Vì thế, rất nhiều người con của làng thành đạt, đi xa, càng làm rạng rỡ cho làng.
Theo thời gian, tới nay làng cổ Phước Tích cũng có một số đổi thay. Nhưng những ngôi nhà rường vẫn còn đó, những con đường lát gạch được che mát bởi những tán cây vẫn còn đó. Và, cây thị cổ, miếu Cây Thị vẫn còn đó, như trái tim của làng, để ai đi xa cũng nhớ.