Năm 1963, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày mất của cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Thủ tướng Phạm Văn Đồng có bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”. Mở đầu, tác giả viết: “Trên trời có những vì sao sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.
Ngày 30/6/2022, dự Lễ Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước là nhà thơ lớn của nước ta là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc. Chủ tịch nước nêu rõ, Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua thử thách, trắc trở của số phận, trở thành một thầy thuốc có y thuật cao, một thầy giáo tâm huyết, một nhà thơ đi đầu trong phong trào chống thực dân có ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực và trên thế giới. Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương về tinh thần học tập suốt đời, ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh nguy nan vẫn là hiện thân của nhân cách sống trong sáng, bình dị, cao đẹp nhưng đầy khí chất của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Nam Bộ nói riêng.
1.Năm nay, kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, thời gian càng lùi xa càng thấy nhận xét của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về cụ Đồ Chiểu là hết sức sâu sắc và vẫn đầy mới mẻ.
Vào chiều ngày 23/11/2021, UNESCO đã thông qua danh sách 60 danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, trong đó có tên hai thi sĩ Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam. Điều này càng cho thấy UNESCO đánh giá rất cao sự nghiệp văn học cũng như phẩm chất tuyệt vời của cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Theo GS.TS Trần Ngọc Vương - chuyên gia văn học trung đại, thì chỉ với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã trở thành đại diện xuất sắc nhất của lá cờ đầu không chỉ của văn học yêu nước ở Nam Bộ mà còn trong phạm vi toàn quốc. Hơn thế, ông xứng đáng được vinh danh như lá cờ đầu của văn học chống chủ nghĩa thực dân, không chỉ của Việt Nam mà của thế giới.
Nhưng, theo GS Vương, tác phẩm lớn của Nguyễn Đình Chiểu chính là “Lục Vân Tiên” - một tác phẩm được nhiều người ưa chuộng, nhất là quần chúng nhân dân Nam Bộ, bởi nó nêu cao những tấm gương hy sinh quên mình vì nghĩa lớn. "Chưa có một giai đoạn nào trong lịch sử Việt Nam mà mật độ những tấm gương hy sinh quên mình vì nghĩa lớn, vì sự tồn vong dân tộc lại dày đặc đến như vậy. Lục Vân Tiên trở thành chứng tích văn học tiêu biểu nhất để lý giải điều đó" - GS Vương nói.
Quả vậy, sự nghiệp văn chương của thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu trước hết phải kể đến truyện thơ “Lục Vân Tiên”. Đó là tác phẩm đề cao tình nghĩa ở đời: tình cha con (Vân Tiên với cha mẹ), tình vợ chồng (Vân Tiên - Nguyệt Nga), tình bạn bè (Vân Tiên - Hớn Minh, Tử Trực), tình thầy trò, thầy tớ (Vân Tiên - tiểu đồng, Nguyệt Nga - Kim Liên)... Tình nghĩa chính là căn cốt tâm hồn của người Việt Nam, với câu răn sống sao cho trọn nghĩa vẹn tình. Trong tác phẩm lớn này, nhân vật chính Lục Vân Tiên đánh cướp hiện lên như một biểu tượng chói sáng của tinh thần nghĩa hiệp, đồng thời cũng thể hiện ước mơ của người bình dân về công lý trong cuộc sống: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo - kẻ ác phải bị trừng phạt.
“Lục Vân Tiên” được cụ Đồ Chiểu viết bằng chữ Nôm, viết bằng thứ chữ bình dân, chân tình và mộc mạc kể chuyện cho dân nghe, vì thế được người dân yêu mến.
Bên cạnh đó, cụ Đồ Chiểu còn có nhiều bài văn tế nổi tiếng. Nói về thể loại văn tế, giới nghiên cứu chung nhận định cho rằng Nguyễn Đình Chiểu là tác giả số một của Việt Nam, với những “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Văn tế Trương Định”, “Văn tế sĩ dân Lục tỉnh trận vong” cùng thơ điếu liên hoàn như “Thơ điếu Trương Định”, “Thơ điếu Phan Tòng”, “Thơ điếu Phan Thanh Giản”...
GS.TS Nguyễn Chí Bền cho rằng, cụ Đồ Chiểu được quốc tế rất quan tâm, đến nay đã có khoảng 7 bản dịch tiếng Pháp của Lục Vân Tiên. Cuốn truyện thơ này còn có các bản dịch tiếng Anh và đã được chuyển ngữ sang tiếng Nhật. Không chỉ là một nhà thơ yêu nước, đầu trên tuyến đầu phong trào chống thực dân bảo vệ quê hương, cụ Đồ Chiểu còn là một thi sĩ đặt người dân thường vào vị trí trung tâm của công cuộc bảo vệ đất nước. Cụ lại những triết lý sống cao đẹp, một tấm gương vượt qua nghịch cảnh, nêu cao đạo lý của người thầy thuốc, thầy giáo và nhà thơ.
Sau này, người ta thường vinh danh cụ Đồ Chiểu ở 3 lĩnh vực chính: Thầy giáo, Thầy thuốc và Nhà thơ. Ở bất cứ lĩnh vực nào cụ cũng là ngôi sao sáng, không chỉ được người đương thời ngưỡng mộ mà còn là hành trang cho con cháu mai sau.
2.Nguyễn Đình Chiểu đã ở vị trí hàng đầu trong các nhà thơ yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19, và cũng chính là nhà thơ tiêu biểu trong phong trào "phi thực dân hóa" của các dân tộc Á Phi. Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với chủ nghĩa nhân đạo, thân dân. Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng, khi mà cuộc đời ông, sáng tác của ông, lời nói của ông và việc làm của ông thống nhất làm một. Đó là yêu nước, thương dân, không chịu sống quỳ, không chịu làm nô lệ.
Ngày 29/6 vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”. Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, là thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức. Trước cảnh nước mất nhà tan, ông xung phong dùng ngòi bút sáng tác thơ văn để "chở đạo" và "trừ gian", xem đây là cứu cánh để cổ vũ tinh thần của nghĩa binh và nhân dân, đồng thời dùng y thuật để giúp dân, giúp nước trong cơn biến loạn.
Sinh thời, Nguyễn Đình Chiểu viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, đó cũng chính là tâm nguyện của cụ vừa là bộc bạch nỗi lòng, vừa là lời tâm huyết để lại cho hậu thế.
TS Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Việt Nam có tác phẩm được phổ biến ở nước ngoài chỉ đứng sau đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trở lại với bài viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (năm 1963), một lần nữa lại thấy bừng lên tấm gương của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Lúc đó, theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sở dĩ có người chưa được đánh giá đúng tầm mức tác phẩm của cụ Đồ Chiểu là do cách đọc, cách cảm có phần thiên lệch. Cần phải cảnh tỉnh cách suy nghĩ thiên lệch, thiếu công bằng đó. “Về văn chương của Lục Vân Tiên, phải để ý đây là một truyện "kể", truyện "nói". Tác giả cố ý viết một lối văn "nôm na", dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Với những người hay hạch những chỗ lời văn không hay lắm: Ở đây phải nhớ rằng Nguyễn Đình Chiểu vì mù nên chỉ đọc cho người khác viết. Và như vậy, thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản! Trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên, không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân Tiên" - (Phạm Văn Đồng: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc).
Nhiều người cho rằng, vào thời cụ Đồ Chiểu sống trong cảnh nước mất nhà tan, thì nếu như Trương Định là một lãnh tụ khởi nghĩa tập hợp dưới ngọn cờ của mình hàng vạn "dân ấp dân lân"; thì Nguyễn Đình Chiểu là một lãnh tụ tinh thần, bằng thơ ca tập hợp hàng chục vạn người dân miền Nam yêu nước, trọng nghĩa khinh tài, dám sống xả thân để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Điều đó nhất quán trong tất cả các sáng tác của cụ.
Nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì "vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Và những tác phẩm đó, ngoài giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại một thời khổ nhục nhưng vĩ đại!".