Tới bây giờ tôi vẫn chưa thể lý giải nổi tại sao có hai thứ tôi thấy không có “họ hàng” gì với nhau mà lại luôn đi kèm nhau: Thuốc lào – Chè Thái. Dọc theo đường quốc lộ 1A ở xứ Thanh quê tôi, rất dễ bắt gặp ở ven đường các quán có biển tên chỉ viết đúng 4 chữ nói trên. Thuốc lào thì không viết rõ địa danh ở đâu, chứ chè thì nhất định phải là chè Thái. Bởi đã ăn sâu vào ý niệm của người dân quê tôi rằng chè phải là chè ở Thái Nguyên thì mới ngon, mới nhất.
Có lẽ sau khi hút một điếu thuốc lào mà chiêu một ngụm trà Thái đặc thì tăng thêm phần sảng khoái chăng. Có lẽ cái dư vị sau làn khói thuốc lào trắng đục khi kết hợp với vị chát đậm của chè Thái sẽ cộng hưởng với nhau mà kích thích lên trung ương thần kinh cảm xúc làm con người ta thấy phê pha chăng. Khi uống một ngụm chè Thái đặc rồi chép chép cái miệng thì đúng sảng khoái vô cùng với cái vị ngọt hậu dậy thơm mùi đất. Thổ nhưỡng và khí hậu cùng bàn tay chịu thương chịu khó đã làm nên một thương hiệu chè nổi tiếng khắp cả nước.
Có một dạo, tôi mê chè đến lạ. Tôi tìm mua những chiếc ấm tử sa nhỏ xíu. Tôi tìm hiểu về các loại trà mạn. Tôi đọc các sách về Trà kinh. Rồi tôi gật gù khâm phục khi đọc thấy cách thưởng trà, chơi trà của các cụ ngày xưa trong sách "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân. Các cụ chơi trà, thưởng trà đã nâng đến một tầm nghệ thuật tinh tế. Nhưng có một điều, trà ngon thì cứ nhất định phải là trà mạn từ người hàng xóm phương Bắc, nào Long Tỉnh, Bích Loa Xuân, Thiết Quan Âm, Kỳ Môn Hồng Trà, Đại Hồng Bào… Tôi không phản đối, nhưng cái thú thưởng trà như vậy ít nhiều có phần kém “dân dụng” và không “kinh tế” nữa. Tôi vẫn có ý tìm kiếm một dòng trà thuần Việt mà mình có thể tin tưởng về chất lượng và nguồn gốc. Có một dạo tôi không còn dám mua chè không rõ nguồn gốc bởi vì có người bảo rằng vị ngọt hậu có thể đến từ… mỳ chính. Màu xanh của chè có thể không phải là màu xanh thực, rồi quy trình làm chè không phải sạch hoàn toàn. Những điều chưa thể kiểm chứng ở trên làm người dùng e ngại, khi mà ngụm nước chè là thứ nước đi thẳng qua cổ họng vào dạ dày con người hằng ngày.
Thế rồi thời đại 4.0 làm nên một sự thay đổi kỳ diệu trong mọi mặt cuộc sống nói chung, và trong việc quảng bá thương hiệu chè của người Việt nói riêng. Chúng ta dễ dàng tìm đến một thương hiệu chè, biết đến những hình ảnh thực tế của quy trình sản xuất, rồi từ đó chúng ta có thể tin tưởng vào sản phẩm khi tới tay mình. Tình cờ đọc được một bài viết trên Facebook của một người bạn bàn về một dòng chè hữu cơ của núi rừng Cao Khản, Thái Nguyên, từ quy trình sản xuất, hái, rồi sao chế ra sao, tôi lần mò rồi kết bạn với cô chủ thân thiện. Cũng thật lạ, như có duyên với nhau sao mà câu chuyện của hai người lần đầu tiên biết nhau trên mạng mà cứ như đã là tri giao từ lâu lắm rồi. Tôi khâm phục không chỉ là kiến thức uyên thâm về các dòng chè, cách ủ, dệt hương cho chè của cô, mà là cái quyết tâm của cô khi là người đầu tiên của xóm chuyển đổi đồi chè của nhà mình theo hướng canh tác hữu cơ thuận tự nhiên. Không sử dụng phân hóa học, chỉ sử dụng phân chuồng, phân xanh. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp. Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Không sử dụng bất cứ hóa chất nào trong quá trình sau thu hoạch và chế biến. Và không một ai tin cô gái nhỏ bé sẽ thành công, trừ người mẹ tần tảo sớm hôm của cô. Giờ đây, trong các dòng trà bán ổn định ra thị trường, cô còn có một dòng trà mang tên người mẹ của mình, trà Bà Ban.
Những cái tên chè cô đặt khá thú vị: Xuân Đán, Cao Khản, Lam Chiều, Mộc Thanh… Và rất tỉ mỉ, cô ký và đóng dấu, ghi ngày tháng cho từng hộp chè gửi tới khách hàng. Cứ mỗi vụ chè, cô ghi rõ thu hoạch được bao nhiêu, đóng được bao nhiêu gói chè và cẩn thận đánh số từng gói. Đấy, cái tâm của người bán chè đặt vào từng đứa con tinh thần của mình vậy bảo sao khách hàng không tin dùng được chứ.
Một chiều muộn tháng tám, sau một ngày làm việc ngoài công trường nhà máy vất vả, tôi trở về văn phòng, pha một ấm chè Ô Long Lam Chiều, rồi rót ra chén tống lớn. Tôi ra một góc thềm bên hiên nhà máy, nhấm nhẹ từng ngụm trà, và lơ đãng trong làn khói trắng của ống khói phía xa xa. Cảm giác thật dễ chịu. Tôi thấy ngụm chè Lam Chiều đúng là thứ xúc tác cảm xúc khiến con người dễ nao lòng trong cái nhá nhem của chiều nhập nhoạng, khi ngồi nghe từng giọt mồ hồi của buổi ban chiều đang rịn lại rồi bám chặt vào da vào thịt. Tôi chợt nhớ tới những ngày xưa, trong làn khói bếp lam chiều bốc lên từ mái nhà tranh, tôi chơi trước sân nhà chỉ để chờ đợi tiếng gọi thân thương của mẹ: Sơn ơi! về ăn cơm đi con!
Trong cái hối hả của thời đại 4.0 với việc bội thực các thông tin, cuộc sống con người ta dường như bớt yên bình hơn. Chúng ta luôn kè kè bên cạnh chiếc điện thoại thông minh, gắn liền với thế giới ảo nhiều hơn là với những người thân, người bạn ngoài đời thực. Rồi chính trong những lúc hối hả ấy, có lúc nào đó bạn bất chợt nhận ra bạn có nhu cầu đàm thoại với chính bản thân mình. Tôi có một gợi ý thế này: bạn hãy ngồi xuống và pha một ấm chè.
Một ngày tất bật rồi cũng tới lúc thảnh thơi. Nhấp một ngụm trà và lặng ngắm dòng thời gian trôi. Mỗi phút giây dường như quý giá hơn vì bản thân cảm nhận dòng thời gian đang trôi qua rõ ràng hơn. Nhấp một ngụm trà làm các giác quan cũng tinh tế hơn, cả thanh, vị và thính. Trải qua bao điều hỉ nộ ái ố trong cuộc sống, bản thân tự tìm về lẽ vô thường. Thấy sự vô ngã và thấy sự bình thản, để rồi bản thân nhẹ nhàng hơn. Rồi từ cái nhẹ nhàng ấy mà mỗi phút giây là đáng quý, thật sự là món quà của cuộc sống. Sống tỉnh thức, sống với các giác quan và cảm nhận của tâm hồn. Thấy vẻ đẹp cỏ cây hoa lá ven đường. Thấy sự đổi thay của thiên nhiên qua từng ngày. Thấy cái thư thả của ngọn cỏ may lay động trong gió chiều mà ngỡ như tâm hồn mình vậy...