Đây đã là ngày thứ 8, hàng trăm ngư dân thuộc thị xã Sầm Sơn – Thanh Hóa kéo lên UBND tỉnh để kiến nghị, khiếu nại về chủ trương di dời tàu thuyền, bàn giao mặt bằng để triển khai xây dựng các hạng mục nằm trong “Dự án không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương”.
Bất chấp mưa, rét, hàng trăm người dân Sầm Sơn
vẫn kéo đến trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa đểkiến nghị, khiếu nại.
Mặc dù trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản cụ thể về chính sách hỗ trợ cho người dân.
Sáng sớm ngày 5/3, bất chấp trời mưa rét, hàng trăm người dân thuộc các phường Trung Sơn, Quảng Cư (Thị xã Sầm Sơn) tiếp tục có mặt tại cổng UBND tỉnh Thanh Hóa để kiến nghị, khiếu nại về chủ trương di dời toàn bộ các bến neo đậu tàu thuyền nằm trong quy hoạch dự án không gian ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương.
Lượng người đông, cộng với mật độ phương tiện giao thông dày đặc tại ngã tư Bươu điện tỉnh đã khiến giao thông tại trung tâm thành phố rối loạn, lực lượng chức năng phải khá vất vả trong việc giữ trật tự an toàn giao thông.
Trước đó, để giải tỏa áp lực cũng như sự căng thẳng trong dư luận, ngày 1/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 705/2016, về chính sách hỗ trợ cho số ngư dân nằm trong diện phải di dời bến thuyền. Cụ thể: Mỗi hộ có tàu thuyền khai thác thủy hải sản công suất máy dưới 20 CV buộc phải giải bản (tức là phá bỏ tàu thuyền và cam kết không đóng mới, sử dụng tàu thuyền có công suất máy dưới 20CV) sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng và ngư lưới cụ. Những hộ có thuyền mủng sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng và ngư lưới cụ.
Đồng thời, trong thời gian tìm ngành nghề mới, các hộ kể trên cũng được hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ có tàu thuyền công suất dưới 20 CV; 8 triệu đồng/hộ có thuyền mủng và được hỗ trợ gạo với mức 30kg gạo tẻ/tháng/hộ trong thời gian 6 tháng.
Các hộ này nếu dừng khai thác thủy hải sản ven bờ trước ngày 15/3 tới sẽ được UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các hộ có tàu thuyền dưới 20 CV nếu đóng mới tàu thuyền công suất từ 30 CV đến 400 CV sẽ được hỗ trợ 125 - 250 triệu đồng (tùy theo công suất của tàu) và trong vòng 5 năm được hỗ trợ lãi suất 7%/năm.
Chủ trương là vậy, nhưng đến thời điểm hiện tại, đa số người dân tại Sầm Sơn vẫn tỏ thái độ không đồng tình. Có mặt từ sáng sớm theo đoàn người, chị Hoàng Thị Hải - phường Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn không giấu được sự bức xúc của mình cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương quy hoạch lại không gian biển Sầm Sơn của tỉnh, bởi điều này là rất cần thiết. Tuy nhiên, để quy hoạch được bãi biển mà ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng nghìn con người là không thể chấp nhận được. Không nghề phụ, không đất nông nghiệp chúng tôi biết sẽ sinh sống bằng gì sau khi hết hỗ trợ của nhà nước(?). Ngư dân chúng tôi không mong muốn gì hơn là được tỉnh quan tâm, dành lại cho bà con 500m bờ biển để lấy nơi neo đậu thuyền mảng, tiếp tục làm nguồn sinh kế” - Chị Hải nói.
Trước mong muốn của bà con ngư dân thị xã Sầm Sơn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức tiếp dân và ghi nhận nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài chính sách hỗ trợ đã ban hành, chưa có quyết định để lại 500m bờ biển cho ngư dân neo đậu thuyền, mảng hay không.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 3/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hóa đã ra Quyết định số 116 khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng, với lý do: Từ ngày 26/2 đến 3/3, một số người dân trên địa bàn thị xã Sầm Sơn đã kéo lên trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để khiếu kiện. Nhiều đối tượng quá khích đã có hành vi kích động, xô đẩy hàng rào bảo vệ, mang theo các vật dụng để gõ, hò la gây huyên náo, lăng mạ, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.
Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra củng cố chứng cứ về hành vi phạm tội của các đối tượng để xử lý nghiêm trước pháp luật.