Người dân Argentina đang tiêu thụ ít thịt bò hơn bao giờ hết, khi họ phải “thắt lưng buộc bụng” do lạm phát 3 con số và suy thoái kinh tế.
Thực tế là lượng tiêu thụ thịt bò đã giảm gần 16% trong năm nay tại Argentina - nơi thịt bò luôn là một phần thiết yếu trong cơ cấu xã hội cùng với bóng đá và trà matte.
Bà Claudia San Martin - một phụ nữ về hưu cho biết, thịt bò là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của người Argentina, nó giống như thể mì ống đối với người Italy. Bà Martin sẵn sàng cắt giảm các khoản mua sắm khác như sản phẩm tẩy rửa, nhưng thịt bò là món nhất định có. “Tôi tin rằng người Argentina có thể loại bỏ bất cứ thứ gì trong những thời điểm khó khăn như thế này. Nhưng chúng tôi không thể sống thiếu thịt bò” - bà Martin nói.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy, người Argentina năm nay ăn thịt bò với tốc độ khoảng 44kg mỗi năm, giảm mạnh so với mức hơn 52kg năm ngoái và nhiều nhất là 100kg mỗi năm vào những năm 1950.
Một phần của sự suy giảm dài hạn là sự chuyển dịch sang các loại thịt khác như thịt lợn và thịt gà, cũng như các mặt hàng chủ lực rẻ hơn như mì ống. Nhưng nguyên nhân lớn nhất là do lạm phát gần 300% và sự trì trệ của nền kinh tế.
Ông Miguel Schiariti - Chủ tịch Phòng thịt địa phương CICCRA cho biết: “Tình hình hiện tại rất nghiêm trọng. Người tiêu dùng đang đưa ra quyết định chỉ dựa vào ví tiền của họ”.
Một người bán thịt có tên Dario Barrandeguy cho biết, mọi người đang mua những loại thịt bò rẻ nhất hoặc những loại thịt rẻ tiền hơn. Việc tiêu thụ thịt gà và thịt lợn gần đây đã tăng lên rất nhiều.
Ở vùng đất nông nghiệp của tỉnh Buenos Aires, những người chăn nuôi gia súc đang cảm thấy khó khăn. Chủ một trang trại, anh Guillermo Tramontini cho biết, chi phí đầu vào đã tăng lên trong khi hạn hán năm ngoái đã ảnh hưởng nhiều đến đàn gia súc. “Thịt bò không đắt đến thế nhưng sức mua của người dân đã giảm đáng kể. Nó khiến người nông dân phải thận trọng với vốn chi phí” - ông Tramontini nói.
Theo ông Schiariti, ngành xuất khẩu đang trải qua thời kỳ rất khó khăn mặc dù vẫn tiếp tục xuất khẩu khối lượng lớn bởi giá trên thị trường quốc tế đã giảm rất nhiều. Điều đó làm giảm động lực đối với người nông dân.