Ngày 9/11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật gồm 9 chương và 94 điều. So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn.
Theo đó, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện quy định đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về thống kê, Luật Việc làm sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động. Sửa đổi, bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách. Bổ sung quy định về hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Theo ông Dung, Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định về đăng ký lao động đối với người lao động có việc làm (người có việc làm thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người có việc làm không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và người thất nghiệp (người lao động không có làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc).
Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên). Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Để linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội thông tin, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Quy định các nguyên tắc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Thẩm tra dự án Luật, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết, về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (Chương II), Ủy ban Xã hội thấy rằng so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã quy định hỗ trợ tạo việc làm mới, duy trì, mở rộng việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi và làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để bảo đảm khả năng thực hiện, nhất là nguồn vốn cho vay ở địa phương để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tiếp tục rà soát để quy định về nguồn vốn cho vay từ ngân sách nhà nước thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan. Quy định các nguyên tắc cơ bản để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, hỗ trợ việc làm cho thanh niên, người cao tuổi.
Về đăng ký lao động (Chương III), Ủy ban Xã hội thấy rằng, dự thảo Luật mới chỉ quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đăng ký lao động; thiếu quy định đăng ký lao động đối với người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người lao động là người nước ngoài; chưa có quy định khuyến khích người lao động chủ động đăng ký lao động; nghiên cứu quy định để việc đăng ký lao động và phương thức quản lý lao động phù hợp, thích ứng với quá trình triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ tính khả thi của quy định đăng ký lao động đối với người lao động tự do; sự cần thiết quy định thêm thủ tục đăng ký lao động đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; sự phù hợp khi người sử dụng lao động khai báo thông tin về lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội và rà soát, loại bỏ những quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký lao động thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong dự thảo Luật.
Theo bà Anh, dự thảo Luật quy định Bộ Lao động, thương binh và xã hội là cơ quan đầu mối và chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện các hoạt động thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin, phân tích, dự báo, phổ biến thông thị trường lao động. Trên thực tế, nhiều thông tin về lao động, việc làm đang được Tổng cục Thống kê thực hiện và nhiều thông tin liên quan có trong cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, dân cư, cư trú.
“Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá cụ thể, làm rõ tác động tài chính của việc xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động; tính liên thông, lộ trình thực hiện liên thông với các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến lao động, việc làm. Đồng thời, cần phân định thẩm quyền và phạm vi thu thập, tổng hợp, quản lý thông tin về lao động giữa ngành lao động thương binh và xã hội với cơ quan thống kê cũng như làm rõ thời hạn công bố, phổ biến kết quả thu thập, phân tích, dự báo thông tin về thị trường lao động”-bà Anh nêu rõ.