“Người uy tín ở cộng đồng dân cư và trong đồng bào các dân tộc thiểu số là những cánh tay đắc lực đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội thảo.
Chiều 5/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo chuyên đề phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tham dự Hội nghị có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết NQ số 24 và Chỉ thị số 45; ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết: Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 13 triệu người, sống ở 51 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đến nay, nhân dân đã bầu chọn được 34.031 người có uy tín từ các khu dân có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn cả nước trong nhiều lĩnh vực.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ đã có nhiều chủ trương chính sách mới, nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện và phát huy vai trò của người uy tín trong toàn hệ thống chính trị. “Người uy tín ở cộng đồng dân cư và trong đồng bào các dân tộc thiểu số là những cánh tay đắc lực đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phát huy vai trò người có uy tín nên chưa quan tâm chỉ đạo, phân công quản lý, phân cấp vận động người có uy tín. Công tác vận động người có uy tín còn chồng chéo, chưa phân công rõ quyền lợi và tránh nhiệm của người có uy tín, chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng…
Xuất phát từ thực tế này, nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong thời gian tới, ông Đào Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương đề xuất, cần bồi dưỡng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng DTTS theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường. Quy trình lựa chọn, thành phần cơ cấu dân tộc, theo lĩnh vực, phạm vi và mức độ ảnh hưởng. Cần phân định cấp độ quản lý, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín để có cơ chế phát huy vai trò của họ một cách phù hợp, hiệu quả. Cần có sự đầu tư nguồn lực tương xứng với tính chất, đặc điểm từng loại mô hình, gắn kết chặt chẽ với Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia và cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn, phát huy, nhân rộng các mô hình mang bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế vùng và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu.
Kiến nghị, đề xuất sát với địa phương trong công tác phát huy vai trò của người có uy tín, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên Giàng Trọng Bình nêu giải pháp: xây dựng, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ những người có uy tín thông qua việc cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các phần tử lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá để người có uy tín hiểu và tuyên truyền, giải thích cho quần chúng.
Thường xuyên nêu các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong các dân tộc để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh. Mở rộng khối đại đoàn kết, chọn cử người có uy tín tham gia cơ quan dân cử, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội. Quá trình vận động người có uy tín, tiêu biểu phải đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ bản thân và gia đình họ, không để các phần tử xấu tác động, đe doạ.
Khẳng định vai trò quan trọng của người có uy tín, theo ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Người có uy tín, già làng trưởng bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta có vai trò rất quan trọng. Tiếng nói của những người này, luôn được tôn trọng, được dân làng và con cháu làm theo. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào, nếu cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và cơ quan công tác dân tộc “tranh thủ” được các vị này thì hiệu quả công tác sẽ cao hơn.
Do vậy, “về chính sách cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, đảm bảo tối thiểu 3 điều kiện: Được trang cấp phương tiện nghe, nhìn để tiếp cận thông tin; định kỳ được bồi dưỡng, cung cấp thông tin. Được quan tâm động viên cả vật chất và tinh thần thông qua hoạt động thăm hỏi, tuyên dương, khen thưởng, khám chữa bệnh, tham quan học tập… Những khó khăn, bức xúc của cộng đồng khi có đề nghị của người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ phải được cơ quan và người có trách nhiệm xem xét, nghiêm túc, giải quyết thấu đáo, những việc chưa giải quyết được phải có phản hồi cụ thể, rõ ràng, thuyết phục. Như vậy, tiếng nói của họ mới thật sự đi vào lòng người”, ông Đỗ Văn Chiến đề xuất.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhìn nhận: Vị trí vai trò của người uy tín ngày càng rõ ràng hơn, sâu sắc hơn. Người có uy tín đã có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng dân tộc thiểu số do chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát động. Đồng thời, nắm vững tâm tư nguyện vọng của bà con ở các khu dân cư để đề xuất với chính quyền, quan tâm giải quyết các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ông Đỗ Văn Chiến phát biểu.
Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Điện Biên Giàng Trọng Bình tham luận.
Quang cảnh Hội nghị.