Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thời gian qua người uy tín trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trũng Kè 2 là thôn thuần nông của xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, hiện có 86 hộ dân với 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc H’rê. Từ khi được bầu làm Bí thư chi bộ thôn, ông Phạm Ba là cựu chiến binh, người có uy tín trong thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ông Ba cùng người dân của thôn đã hiến 900m2 đất với tổng trị giá trên 70 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Ba cho biết: Thấy bà con trong thôn còn khó khăn, tôi chung tay hiến đất cùng bà con để làm đường bê tông.
Từ khi có con đường mới, việc đi lại của bà con thuận lợi, kinh tế cũng có điều kiện phát triển hơn. Cũng nhờ việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả nên đời sống của bà con nhân dân dần có thu nhập ổn định, từ đó các hộ gia đình cũng có điều kiện sửa lại nhà mới khang trang. Hàng năm, trung bình trong thôn có từ 3-4 ngôi nhà được làm mới; số hộ nghèo giảm từ 5-6 hộ.
Còn tại thôn Trường Lệ (xã Hành Tín Đông), cựu chiến binh Đinh Văn Lêu không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế mà còn là một tuyên truyền viên tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, ông Lêu đã tuyên truyền cho bà con không được tự ý phá rừng, làm nương rẫy; vận động giao nộp một số vũ khí tự chế và thông qua các nguồn tin của bà con đã báo cho lực lượng công an xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Ngoài ra, ông còn thường xuyên gặp gỡ, động viên người dân yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu...
Theo ông Nguyễn Thế Nhân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp tỉnh Quảng Ngãi đã quan tâm triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đã thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người có uy tín. Ban Dân tộc tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực trong thực hiện chính sách này đã luôn bám sát địa phương, cùng UBND các huyện thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách đối với người có uy tín theo quy định. Tổng kinh phí đã phân bổ để thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong 5 năm là 17,8 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã thực hiện là 13,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 75,28% tổng kinh phí được phân bổ.
“Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định hỗ trợ một chiếc điện thoại thông minh cho người có uy tín. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người uy tín thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều nội dung như: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực cho người uy tín; biểu dương, khen thưởng, cấp báo cho người có uy tín... Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện chính sách đối với đội ngũ người có uy tín trên địa bàn” - ông Nhân cho hay.