Người của núi

Nguyễn Chung 04/10/2015 07:35

Trước khi lên đây, tôi đã ấp ủ dự định sẽ viết điều gì đó thật đẹp, thật hay về núi rừng Quan Hóa xứ Thanh, về những con người đang miệt mài với nghiệp gieo chữ, trồng người, những học sinh thiếu thốn đủ bề nhưng luôn ăm ắp ước mơ… Nhưng thực tế thì nơi tôi đến vẫn còn đó những đáy mắt thăm thẳm nỗi buồn và câu chuyện của họ nghe như những tiếng thở dài thao thiết của núi.

Người của núi

Cô giáo Nguyễn Thị Cúc (ngoài cùng, bên phải) tới thăm gia đình học sinh.

Hiền Kiệt mùa này mưa, mưa như bức màn màu xám giăng kín từ đỉnh trời đến những thảm lúa bên giòng suối Khiết. Trong căn phòng tập thể ẩm ướt, rộng chưa đầy 10m2, cô Nguyễn Thị Cúc, giáo viên trường THCS Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa bó gối nhìn ra màn mưa.

Đã hơn một tháng nay cô chưa thể về thăm nhà, phần vì công việc đầu năm học mới bề bộn phần vì thương đám trò nhỏ quấn chị như gà con quấn mẹ…, giờ thư thả đôi chút thì mưa. Cứ nghĩ đến quãng đường dài gần 150km với những con dốc hun hút, những khúc cua tay áo trơn trượt cô lại ái ngại.

Nỗi nhớ chồng con, nhớ phố đành đem vào đêm thành nỗi buồn gặm nhấm. Mười lăm năm ở với núi rừng, chị hiểu đất, người ở đây như hiểu lòng mình. Cũng bởi hiểu nên thương rồi không nỡ rời xa.

Người của núi - 1

Những em gái ở Hiền Kiệt.

Mười lăm năm cũng là khoảng thời gian đủ dài để người ta ngoảnh lại nhìn và chiêm nghiệm những được và mất. Với chị đấy là cả một thời thanh xuân phải dồn nén, gác sang bên những yêu thương, khát khao của tuổi trẻ.

“Ngần ấy năm rồi nhưng những đêm mưa, nỗi buồn, sự cồn cào vẫn mới nguyên như ngày đầu. Niềm vui của mình là được nhìn những nụ cười hồn nhiên đến ngây ngô, tình cảm chân thành của đám học trò nghèo mỗi buổi trên lớp. Điều này đã trở thành nguồn động viên lớn, giúp mình đủ nghị lực không bỏ núi về phố. Có lẽ đấy cũng là cái được của một giáo viên miền núi chăng?”- chị cười hiền lành.

Cô kể, hầu hết các em học sinh ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, số ít rơi vào đặc biệt khó khăn nên những giấc mơ con chữ như ngọn đèn dầu leo lét trước gió. Gánh nặng mưu sinh, phong tục tập quán khiến phần đa các em chỉ học hết lớp 9 rồi ở nhà lên rẫy, lấy vợ, lấy chồng, con cái bìu ríu… đời sau dẫm lên bước chân đời trước, tạo thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Những năm tháng gắn bó với núi rừng, cô không còn nhớ được đã bao lần xắn quần vượt núi đi vận động các em trở lại lớp học. Nhiều em vì thương, vì nể cô quay lại lớp nhưng chỉ sáng hôm sau đã thấy vắng. Bẵng đi một thời gian, tình cờ gặp dưới chợ phố huyện đã thấy bụng lùm lùm sau vạt áo…

“Chúng bỏ học không phải vì sợ học, học kém mà đơn giản vì nghèo đói. Giấc mơ ư! có đấy nhưng hoàn cảnh khiến chúng không với tới. Không nói đâu xa, chỉ ngay trong lớp của chị đã có đến 3,4 học sinh nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ sống nhờ sự cưu mang của ông bà nội ngoại không còn sức lao động. Lớp 6, lớp 7 đã là lao động chính trong gia đình, trợ cấp của xã hội cũng có nhưng không đủ sức nuôi nấng những giấc mơ của các em. Thương lắm, tiếc lắm nhưng cũng đành bất lực”- cô Cúc không nén được tiếng thở dài từ sâu thẳm.

Rồi như để minh chứng cho những điều vừa kể, cô dẫn tôi vào bản Chiềng Căm tìm Vi Thị Giang- cô học trò nghèo mồ côi lớp 8B. Nhà của chị em Giang, mà đúng hơn là nhà của ông bà ngoại em nằm tít sâu tận cuối bản. Mặc dù đã được cô giáo dặn trước, nhưng cả hai chị em Giang đều không có ở nhà.

Ông ngoại Giang, một ông lão người Thái đã bước vào tuổi ngoại lục tuần, trong bộ đồ mà chàm nhàu nhĩ, đón khách với khuôn mặt khắc khổ, phân bua: Ngày nghỉ nên chị em Giang tranh thủ, đứa thì vào rừng vừa chặt luồng, vừa nhặt quả phèn chua, đứa thì đi chăn vịt. “Thương chúng nó lắm nhưng nhà nghèo, ông bà già rồi nên chị em nó phải là lao động chính thôi!”- ông già không giấu được sự ngượng ngùng.

Chuyện của chị em Giang buồn lắm. Hơn bảy năm trước, nhà Giang ở mãi tận bản Cò Cài, xã Trung Lý (thuộc huyện Mường Lát), phía sau đỉnh đèo Cổng Trời xa xôi. Ngày ấy, gia đình em cũng nghèo, thiếu thốn đủ bề nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và niềm hạnh phúc. Thế rồi đến khoảng đầu những năm 2000, cơn bão ma túy ập đến cuốn đi người cha của em, đau đớn hơn, chỉ một năm sau, mẹ cũng ra đi vì căn bệnh thế kỷ, bỏ lại chị em Giang côi cút giữa cuộc mưu sinh đầy nghiệt ngã. Năm cha mẹ mất, Giang mới chỉ vừa tròn sáu tuổi và đứa em gái còn chưa nói rõ tiếng.

Không còn cha mẹ, chị em Giang về sống với ông bà nội nhưng chỉ được một thời gian ngắn, bà nội cũng qua đời vì tuổi già, còn lại ông mắc chứng thần kinh, không đủ sức nuôi hai đứa cháu dại. Người chú thương tình, đón 3 ông cháu về sống cùng. Nhưng khốn khổ thay, nhà đã nghèo, nay lại phải cõng thêm 3 miệng ăn, vợ chồng người chú cũng không kham nổi, gia đình lục đục, nhiều lần cáu bẳn lớn tiếng chửi bới, đuổi ông cháu Giang ra khỏi nhà. Xót cháu, năm 2008, ông bà ngoại đành cắn răng đón chị em Giang về cưu mang.

“Biết là sẽ khó khăn lắm đấy nhưng chúng nó là cháu mình mà, phải thương thôi”- ông ngoại Giang lấy cớ đi tìm ống thuốc lào, giấu đôi mắt đã ầng ậng nước.

Tôi đang bị cuốn trong câu chuyện của ông thì tiếng bước chân của 2 chị em Giang đã về đến đầu sàn. Bỏ túi quả phèn vào góc nhà, Giang rửa qua quýt đôi ống chân lấm lem bùn đất rồi ngại ngùng lên chào cô giáo và những người khách lạ. Em thu mình ngồi co, ẩn sâu trong đôi mắt là nỗi buồn mông lung.

Mười ba tuổi đầu nhưng mọi công lớn việc nhỏ trong gia đình đều có dấu tay của em. Từ nấu cơm, giặt dũ, dệt vải, đến vào rừng chặt luồng thuê… việc gì em cũng làm giỏi. Tiền công và tiền bán luồng tuy không đáng là bao những cũng góp phần cho ông bà đồng rau, đồng muối, đắp đổi qua ngày.

Nhưng dù cho chị em Giang và mọi người trong gia đình có cố gắng đến mấy thì nghèo đói vẫn bám riết không tha. Mấy năm trước, gia đình ông ngoại còn nằm trong diện hộ nghèo, chị em Giang còn được hưởng mỗi tháng hơn 800 nghìn đồng theo chính sách hỗ trợ trẻ mồ côi của nhà nước. Đến đầu năm 2014, bất ngờ chính quyền xã Hiền Kiệt đưa gia đình ông ngoại em ra khỏi diện hộ nghèo, số tiền hỗ trợ chị em Giang rút xuống còn 360 nghìn đồng, khó khăn càng thêm khó khăn.

Hiện tại, ngoài số tiền hỗ trợ ít ỏi này, mọi thu nhập của cả gia đình 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào hơn 2 sào ruộng và hơn trăm gốc luồng. Thương ông bà ngoại, thương em, đã nhiều bận Giang định bỏ học, ở nhà đi làm lấy tiền nuôi em nhưng ước mơ được trở thành bác sĩ cùng với sự động viên, chia sẻ của các thầy cô đã giúp em vượt qua tất thảy khó khăn, mặc cảm tiếp tục đến lớp.

“Liệu có chắc rằng những thận phận như chị emGiang có thể viết tiếp giấc mơ của mình, có ai dám đảm bảo mùa khai giảng năm sau, chị em Giang sẽ có mặt buổi tựu trường?”- tôi buột miệng hỏi chị. Đáp lại tôi, chỉ có tiếng mưa quất ràn rạt vào mái tôn và ánh nhìn thăm thẳm của cô giáo Cúc.

Đêm Hiền Kiệt sâu hơn, ngọn đèn điện le lói khiến cả ngôi trường như chìm vào màn mưa. Câu chuyện hồi chiều về những học sinh khó khăn vẫn khiến tôi day dứt chưa yên. “Vậy chúng ta còn cách nào khả dĩ hơn để giúp các em không còn bỏ lớp, viết tiếp những giấc mơ còn giang dở”- tôi hỏi bởi tin rằng, với cô giáo Cúc, người đã gắn bó với núi rừng ngần ấy năm sẽ cho tôi câu trả lời thỏa đáng.

Chị Cúc trầm ngâm hồi lâu rồi nói: Thực ra chúng ta đã làm nhiều cách nhưng điều cơ bản nhất vẫn là tuyên truyền để thay đổi tập tục lâu đời của bà con dân tộc và tiếp tục hỗ trợ sâu hơn nữa. Phải có chính sách cụ thể, ưu việt cho học sinh miền núi nói chung. Đồng thời, phải tạo điều kiện cho cả gia đình của các em có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Sự hỗ trợ ở đây, không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của chính phủ mà phải là sự vào cuộc của toàn xã hội, có như vậy các em mới có thể yên tâm viết tiếp giấc mơ đèn sách của mình.

“Đã có những chương trình từ thiện đến với các em nhưng như vậy là chưa đủ, chưa kể đến những bất cập, chưa sát thực tế của những chương trình này. Đơn cử như, hầu hết các chương trình từ thiện như trao quà, học bổng đều lấy tiêu chuẩn, mốc là nhà nghèo nhưng phải học giỏi mới được hỗ trợ. Em thấy đấy, với hoàn cảnh của học sinh miền núi, có thể đến lớp mỗi ngày đã là cả một sự nỗ lực phi thường không chỉ của riêng cá nhân các em mà còn của cả gia đình. Trong hoàn cảnh ấy, các em có thể học giỏi được không. Vấn đề đặt ra ở đây là, dường như chúng ta đã quá máy móc trong cách làm. Theo tôi thấy, chỉ cần khó khăn nhưng ham học thì chúng ta nên hỗ trợ. Đấy mới là sự khích lệ thiết thực, tạo động lực cho các em”- chị Cúc nói. Ánh lên trong sâu đôi mắt chị, tôi thấy có màu lửa.

Tôi rời Hiền Kiệt trong buổi sáng, trời vẫn mưa không ngớt hạt. Những lời cô giáo Cúc nói đều hợp lý, có điều để những chính sách của nhà nước, những tấm lòng hảo tâm của tập thể, cá nhân đến với các em hiệu quả hơn, có lẽ chúng ta còn cần thêm thời gian và hơn hết là cần cái tâm của toàn xã hội. Nhưng tôi vẫn hi vọng, một ngày không xa, khi trở lại, tôi sẽ được thấy nắng niềm tin sáng lên trong mắt các em và lửa nghề vẫn còn cháy trong mắt cô giáo Cúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người của núi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO