Nhà máy cung cấp nước sạch huyện Krông Pa (Gia Lai) được nâng cấp từ Trạm cung cấp nước của huyện bằng nguồn vốn Jica với mức đầu tư khoảng 47 tỷ đồng. Nhà máy có công suất thiết kế khoảng 4.000 m3/ngày đêm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại thị trấn Phú Túc, xã Phú Cần và một số buôn tại xã Chư Gu.
Bể chứa xử lí nước của Nhà máy cũng bị hoen gỉ, ố vàng.
Tuy nhiên, khi dự án sửa chữa, nâng cấp hoàn thành và bàn giao lại cho huyện Krông Pa vào tháng 4/2015 để quản lí, vận hành khai thác kinh doanh thì nguồn nước bắt đầu thay đổi lúc sạch, lúc bẩn.
Nhiều người dân bỏ tiền mua nước sử dụng đã tỏ ra bất an khi sử dụng nguồn nước. Anh Vũ Đăng Ngãi (tổ dân phố 15, thị trấn Phú Túc) cho biết, nước mua của Nhà máy với giá 5,500 đồng/1m3 nhưng khi sử dụng mọi vật dụng từ các bình đung nước, quần áo đều ố vàng, có nhiều cặn bám vào sau khi sử dụng.
“Nhiều vật dụng như thùng phi, bể chứa chỉ 2 - 3 ngày là bị trám một lớp vàng gây gỉ sét. Nhà tôi kinh doanh quán ăn, nguồn nước không đảm bảo cũng khó mà giữ được khách”, anh Ngãi lo lắng.
Nguồn nước xuất hiện màu vàng đục không chỉ cá biệt trong một vài hộ mà đó là tình trạng chung của hầu hết của các hộ dân đang sử dụng.
Nguồn nước được ông Phạm Quốc Phong - Giám đốc Nhà máy khẳng định xử lí đúng quy trình.
Ông Nguyễn Văn Quảng (tổ trưởng Tổ dân phố 1, thị trấn Phú Túc) phản ánh, nguồn nước xuất hiện màu vàng đục khoảng gần 2 năm nay, một tuần sử dụng thì mất khoảng 2 - 3 ngày bị đục, nước có màu vàng lắng cặn. Muốn sử dụng phải xả nước vào bể chờ nước lắng cặn khoảng 3 - 4 tiếng mới sử dụng được.
Theo ông Tạ Chí Khanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, việc người dân kiến nghị qua các đợt tiếp xúc cử trị, huyện đã lấy mẫu nước gửi Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm, phân tích.
Kết quả các chỉ số hàm lượng Sắt, Mangan, E.coli đều đạt, tuy chỉ có màu sắc và độ đục vẫn còn cao so với giới hạn cho phép. Còn nguyên nhân cụ thể khiến nguồn nước bị đục thì hiện nay vẫn chưa xác định được.
Trước mắt, để sử dụng được nguồn nước tốt nhất, ông Khanh khuyến cáo người dân khi sử dụng cần xả van để nước lắng đọng lại khoảng 2 - 3 giờ rồi mới sử dụng.
Nói về nguồn nước và quy trình vận hành nhà máy, ông Phạm Quốc Phong - Giám đốc Nhà máy cho biết, nguồn nước được lấy từ hồ thủy lợi Ia M’lah qua đường ông dẫn khoảng 15 km về trạm, nước được xử lí qua hệ thống, sau đó chuyển qua bể lắng cặn rồi mới cung cấp cho người dân.
Theo ông Phong nhận định, hiện vẫn còn một lượng chất cặn bám vào trong thành ống, nếu gặp sự cố mất điện hoặc hộ gia đình không sử dụng nước thường xuyên khi xả van nước sẽ bị đục có màu vàng.
Để khắc phục triệt để các chất cặn đó, ông Phong cho biết phải dùng công nghệ Plasma tẩy rửa nhưng kinh phí rất lớn, đơn vị khó có thể lo liệu.
Hiện huyện Krông Pa đang vào mùa khô hạn, nhu cầu sử dụng nước là rất lớn, trong khi nguồn nước ngầm lại bị nhiễm vôi và phèn nặng. Nếu các ngành chức năng không vào cuộc tìm ra nguyên nhân, xử lí tình trạng trên thì nguy cơ người dân phải dùng nguồn nước ô nhiễm là rất cao.