Ngày 23/6, các đại biểu Quốc hội khóa 14 và ĐB HĐND TP HCM khóa 9 đã có buổi tiếp xúc với đông đảo cử tri của Quận 2.
Các đại biểu hứa tiếp tục ghi nhận, và bằng quyền và trách nhiệm của mình sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng của trung ương và TP HCM giải quyết rốt ráo những vấn đề liên quan đến người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).
Tại Hội nghị, cử tri Lê Thị Hồng (P.An Lợi Đông, Q.2) cho biết, gia đình 3 thế hệ của bà cùng sinh sống ở Thủ Thiêm, nhiều năm là “gia đình văn hóa” (GCN), ngoài ra bà ngoại cũng là mẹ liệt sĩ. “Gia đình tôi di dời theo chủ trương thực hiện khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, cơ quan chức năng Q.2 đến tiêu hủy gia cầm, tháo dỡ cả 3 căn nhà trên khu đất, nhưng khi lên danh sách áp giá bồi thường thì chỉ còn 1 căn để giảm đi 2 suất tái định cư của gia đình. Cả gia đình sau đó đã không có nơi trú ngụ, đến nay cũng chưa nhận được tiền bồi thường”.
Cử tri Nguyễn Hồng Quang (P. Bình Khánh) cho rằng, việc thành phố đang tập trung giải quyết vào khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ là một phần rất nhỏ trong các bất cập ở KĐTM Thủ Thiêm hiện nay. Việc khiếu nại của người dân Thủ Thiêm là muốn làm rõ vấn đề trong ranh, ngoài ranh đối với 05 khu phố thuộc 03 phường và đòi lại khu tái định cư 160 ha của người dân, mà hiện nay quỹ đất này đã bị giao cho các dự án thương mại.
Cử tri Lê Thị Phượng (Q.2) và cử tri Trần Thị Mỹ (79 tuổi, ngụ P.Bình Khánh) cũng cho rằng, khu 4,3 ha có 331 hộ thì 322 hộ đã nhận tiền rời đi, chỉ có 09 hộ chưa nhận tiền bồi thường và đang tiếp tục khiếu kiện. Đối với 331 hộ trên đã rời đến nơi ở mới và ổn định cuộc sống nhưng sau đó UBND TP HCM lại có chính sách hỗ trợ thêm chính sách bồi thường cho họ, kéo họ về để lấy ý kiến biểu quyết về hoán đổi là không công bằng và cũng chưa phản ánh đúng quyền và lợi ích của hàng ngàn các hộ khác chịu ảnh hưởng ở KĐTM Thủ Thiêm.
Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, nếu chính quyền thành phố muốn ưu tiên giải quyết khu 4,3 ha theo Kết luận Thanh tra Chính phủ thì đối với 09 hộ còn khiếu nại phải sớm giải quyết thấu đáo. Nếu xác định đất ngoài ranh quy hoạch thì phải trả lại cho người dân. Đồng thời, những lãnh đạo, cán bộ đã ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất sai trái phải bồi thường và bị xử lý.
Ghi nhận các ý kiến của cử tri, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê -Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM bày tỏ chia sẻ đối với những tâm tư, bức xúc của người dân liên quan đến nhiều bất cập hiện nay ở Thủ Thiêm, như chính sách giải quyết khiếu nại về tái định cư, tạm cư, chính sách bồi thường cho đến quá trình ổn định cuộc sống ở nơi ở mới cho người dân. “Sự việc Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm, sự chịu đựng của bà con thời gian qua đã quá sức. Các cơ quan không có sự tránh né, vẫn thường xuyên lắng nghe cử tri và đang cố gắng giải quyết sớm” – đại biểu Khuê cho biết.
Theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, trong khoảng 2 năm qua, Đảng bộ, chính quyền TP HCM đã vào cuộc để xem xét toàn diện vì sao cử tri, người dân lại bức xúc kéo dài tại dự án KĐTM Thủ Thiêm như vậy. Và, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã lập nhiều tổ công tác để giải quyết. Quan điểm của thành phố là cán bộ sai đến đâu xử lý đến đó, không có sự tránh né. Cũng theo đại biểu này, sắp tới trong tháng 7/2020 Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện đối thoại với bà con để xác định vấn đề trong ranh và ngoài ranh ở Thủ Thiêm.
Cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Tổ ĐBQH - Đơn vị 5 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Tân Bình, trong đó đã nêu quan điểm về xử lý bất cập, sai phạm tại KĐTM Thủ Thiêm. Theo người đứng đầu Đảng bộ TP HCM, người vi phạm phải chịu trách nhiệm và chính quyền các cấp cũng phải chịu trách nhiệm. Trong các vi phạm tại dự án KĐTM Thủ Thiêm (Q.2) thì cấp ủy, Ban cán sự đảng UBND TP HCM và các cá nhân vi phạm đã phải chịu kỷ luật liên quan đến sai phạm của dự án này.