Việc đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thảo mộc Toàn cầu 2020 (Miss Global Her Beauty 2020) không có giấy phép, bị cơ quan chức năng Hà Nội phạt 49 triệu đồng- một lần nữa lại cho thấy “đấu trường” (hay là thị trường) nhan sắc ở ta thật là rắc rối. Nhan sắc xứng đáng được tôn vinh, nhưng mà nhiều quá hóa loạn. Đã thế, lại tổ chức “thi chui”, cá nhân cũng “thi chui” nốt- thì đã là một việc khác mất rồi.
Cuộc thi Hoa hậu “chui” mới rồi, nơi tổ chức thi đã vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình thi người đẹp, người mẫu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nơi tổ chức thi theo quy định. Đồng thời, nơi tổ chức đã vi phạm Điểm c, Khoản 4, Điều 14 của Nghị định về tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Những năm qua, các cuộc thi nhan sắc ở ta nhiều quá. Cấp toàn quốc, cấp vùng, cấp tỉnh… có cả Hoa hậu cấp… ngành. Đành rằng phụ nữ Việt Nam đẹp, nhưng lấy đâu ra nhiều quá như thế. Hoa hậu của hơn chục năm trước người ta còn biết, còn dõi theo xem cuộc đời thế nào sau khi đăng quang, hay chí ít là lọt vào tốp 3. Nhưng rồi, do quá nhiều các cuộc thi, danh hiệu người đẹp nhiều quá đến độ không thể nào nhớ nổi. Người đẹp chỉ được làng xã, khu phố, hay là… huyện nhớ cũng đã vui rồi.
Chúng tôi không phản đối các cuộc thi nhan sắc, nhưng cũng thấy vẫn cần phải nói rằng đó không phải là cách cần thiết để cho các cô gái tiến thân. Nhận thức đó của chúng tôi không có gì mới, nhưng thấy cần nhắc lại vì không ít người vẫn chọn cách đạt cho được danh hiệu người đẹp để làm bàn đạp đi tắt vào đời.
Đáng nói nữa là nhiều nơi lợi dụng tâm lý đó để tổ chức các cuộc thi hoa hậu, vừa để đơn vị mình (hay là địa phương mình) nổi danh; cũng lại vừa để kinh doanh kiếm lời. Thử hỏi, nếu không thu được lợi nhuận thì người ta có tổ chức thi hay không? Chẳng lẽ vì yêu nhan sắc của phụ nữ Việt quá nên tổ chức thi trên tinh thần “thiện nguyện”. Không có đâu!
Vậy thì có thể nói, nhiều khi người ta tổ chức thi Hoa hậu là để kinh doanh. Người đẹp bị lợi dụng trong một “thị trường nhan sắc”.
Lâu nay, dư luận đã phàn nàn hình như các cơ quan chức năng bất lực với “hoa hậu chui”- cả về phương diện tổ chức thi lẫn người đẹp đi thi. Còn nhớ, ngay từ năm 2014, dư luận đã xôn xao về việc mấy người đẹp cùng “vượt biên” đi thi Hoa hậu ở xứ người mà không xin phép, không được phép. Chỉ riêng trong tháng 10 của năm ấy đã có 3 người đẹp bị phạt. Các cô ra đi vì trước đó đã được đơn vị tổ chức hào phóng cấp cho danh hiệu sau những cuộc thi, vương miện được mang lên sân khấu trao tới tấp. Bị phản ứng nhưng không chịu dừng lại, bất quá chịu bị phạt vài chục triệu đồng là xong. Số tiền phạt không bằng giá một đôi guốc của người đẹp. Có cô sang Đức, có cô sang Hàn Quốc, sang cả Đan Mạch, kể cả Mỹ để tìm kiếm danh hiệu người đẹp. Khi bị phạt, người đẹp nói rằng mình vi phạm vì không biết luật. Nhưng còn nơi đưa đón, móc nối cho người đẹp đi thi thì sao? Chẳng lẽ cũng không biết luật nốt. Không thể vô lý như thế được. Biết vi phạm nhưng họ vẫn làm, chỉ vì mức phạt “nhẹ hều” không thấm vào đâu với tiếng tăm là đã đi thi hoa hậu ở nước ngoài. Lại càng chẳng bõ bèn gì nếu người đẹp được giải. Nhan sắc sẽ đẻ ra tiền, cho cả người đẹp lẫn những ai móc nối cho họ đi thi. Không chỉ một lần mà còn những lần tiếp theo nữa.
Như vậy là mức phạt khi vi phạm thi “hoa hậu chui” đã không đủ sức răn đe. Phạt cho có chứ không ảnh hưởng gì.
Viết đến đây lại liên hệ tới việc xử phạt người uống rượu bia khi lái xe, mới được áp dụng hơn tuần qua. Mức phạt rất nặng. Từ đó thấy rõ ngay các quán nhậu vắng khách, nhiều “bợm nhậu” chưa bỏ được thói quen phải tìm đủ cách để né cảnh sát. Cứ làm gắt một thời gian ắt hẳn cái gọi là “văn hóa nhậu” sẽ phải thay đổi.
Thì cũng thế, nếu mức phạt cho các cuộc thi “hoa hậu chui” nặng hẳn lên thì chắc chắn đấu trường nhan sắc ở ta sẽ trở lại trong trẻo.