Người đưa vịt trời về xứ biển

Cao Xuân Lương 04/05/2016 13:25

Về thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi được cán bộ Trạm Khuyến nông của thị xã giới thiệu một mô hình sản xuất mới ở địa phương bước đầu cho hiệu quả và đang được ngành nông nghiệp xem xét chọn làm điểm để từ đó nhân rộng ra cho nhiều nhà nông khác. Đó là mô hình nuôi vịt trời của anh Trần Văn Võ (30 tuổi, ấp No Tôm, xã Hòa Đông).

Người đưa vịt trời về xứ biển

Mô hình nuôi vịt trời của anh Võ cho kết quả rất tốt.

Theo lời kể của anh Võ, cách đây 2 năm, anh sang Kiên Giang tham quan mô hình nuôi vịt trời. Thấy mô hình hay lại có hiệu quả, anh mua ngay 100 con về nuôi tại gia đình. Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên kết quả chỉ còn lại 30 con sống.

Không nản, anh tiếp tục mua thêm giống, đóng thêm chuồng nhỏ có sàn cho vịt ở. Khi vịt được 20 ngày tuổi mới thả ra chuồng lớn, có hồ chứa nước để cho vịt sau khi ăn no có chỗ tắm. Đến nay, anh đã có đàn vịt 600 con, trong đó có 300 con vịt đẻ, 300 con vịt nuôi bán giống và thịt.

Với vịt đẻ, anh nuôi riêng một chuồng, cho ăn thức ăn riêng để vịt đẻ trứng đạt chất lượng cao; còn vịt bán giống và vịt thịt anh nuôi riêng một chuồng khác, cho ăn thức ăn tự nhiên.

Theo anh Võ, nuôi vịt trời không khó, ít bị bệnh, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Võ cho biết: “Nuôi vịt thịt, nếu cho ăn thức ăn tự nhiên thì sau 5 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch, lúc đó trọng lượng vịt đạt khoảng trên dưới 1kg/con, bán với giá 200.000 đồng/kg. Còn vịt giống loại 2 tuần tuổi bán mỗi con 20.000đồng, loại 1 tháng tuổi bán 60.000đồng/con”.

Hiện nay, đàn vịt đẻ của anh mỗi năm cho 3 đợt trứng với khoảng 6.000 trứng. Số trứng này, anh Võ đã trang bị máy ấp trứng nhưng tỉ lệ trứng nở đạt chưa cao như mong muốn, chỉ khoảng 50%. Hiện nay có nhiều khách hàng từ Cà Mau, Vĩnh Long sang tham quan, học tập kinh nghiệm và đặt mua con giống về nuôi thử nghiệm.

Được biết, mỗi tháng anh Võ bán được khoảng 400 con vịt giống và 100 con vịt thịt, sau khi trừ chi phí, mức lãi hiện chưa nhiều vì đang trong thời kỳ thử nghiệm, nhưng cũng đủ để tái sản xuất. Hi vọng vài năm nữa sẽ cho thu nhập cao hơn.

Hiện tại, đàn vịt trời của anh Võ có 2 loại: loại vịt có nguồn gốc ở phía Bắc và loại vịt ở phía Nam. Loại vịt trời miền Bắc đã được thuần hóa nên dễ nuôi nhưng chất lượng không cao, thịt không ngon bằng loại vịt trời miền Nam. Thời gian tới, anh sẽ tập trung thuần hóa giống vịt trời miền Nam bởi đây là loại vịt được nhiều người chuộng hơn, giá bán cao hơn.

Ở Sóc Trăng hiện nay rất ít người nuôi vịt trời nên mô hình của anh Trần Văn Võ được xem là mô hình sản xuất mới lạ và bước đầu cho kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho nhà nông ở xứ biển này.

Ông Mã Chí Thọ, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết: “Ở địa phương chúng tôi, hầu hết nhà nông đều nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Vì vậy, mô hình nuôi vịt trời của anh Võ là mô hình mới, bước đầu có kết quả khá tốt, cho thu nhập cao. Hiện nay ngành nông nghiệp thị xã đã có khảo sát, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt trời và chúng tôi giới thiệu mô hình chăn nuôi của anh Võ cho ngành để chọn làm mô hình điểm cho bà con học hỏi. Hi vọng với mô hình chăn nuôi của anh Võ, nhiều nhà nông sẽ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật nuôi vịt trời để làm giàu cho gia đình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đưa vịt trời về xứ biển