Bấy lâu nay, vẫn nghe nói nhiều về Mường Lò, Nghĩa Lộ - Yên Bái với những điệu xòe miên man, quyến rũ. Điệu xòe của những tú nữ người Thái đã từng làm say đắm bao du khách. Nhưng mới đây chúng tôi có dịp đến và thật may khi gặp được nghệ nhân có công thắp lửa cho những điệu xòe cổ xứ Mường Lò.
Màn xòe Thái với sự tham gia của 2013 người
Mường Lò lâu nay được người Thái đen ở Tây Bắc coi là quê tổ, nơi sinh ra các điệu xòe, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Vì thế, nhắc tới nghệ thuật xòe là nhắc tới Mường Lò - Nghĩa Lộ, Yên Bái. Những vòng xòe đắm say, thậm chí những màn đại xòe với sự tham gia của cả vài nghìn người đã trở thành sự kiện văn hóa của vùng non cao này.
Khi tôi đến Nghĩa Lộ - vùng đất cổ của tổ tiên người Thái Mường Lò, cũng là thời điểm tỉnh Yên Bái vừa tổ chức khai mạc tuần lễ Văn hóa - du lịch Mường Lò với màn biểu diễn Đại xòe đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Xòe Thái - Mường Lò, Nghĩa Lộ”. Cả thị xã Nghĩa Lộ vẫn còn hân hoan trong niềm vui vì điệu xòe gắn bó với đời sống tinh thần của họ đã được Nhà nước công nhận. Màn biểu diễn vừa qua, có sự tham gia của 1.500 nghệ sĩ từ các đội xòe của 7 xã, phường Thị xã Nghĩa Lộ.
Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến - người nổi tiếng trong giới nghiên cứu về chữ Thái cổ và những điệu xòe cổ độc đáo của người Thái xứ Mường Lò. Nghệ nhân Lò Văn Biến sinh năm 1933. Nhà ông ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm, cách không xa dòng suối Thia thơ mộng. Ông Biến cũng chính là người góp công lớn vào việc khôi phục các lễ hội: “Xên bản xên mường”, “Lồng tồng”; sinh hoạt “Hạn khuống” - tức sàn sân ngoài trời, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên ở vùng đất này.
Nghệ nhân Lò Văn Biến
Ông Biến khoe hôm vừa rồi được vinh dự đại diện cho bà con lên đón nhận bằng công nhận xòe Thái Mường Lò là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vui lắm. Tự hào lắm. Bằng các nghiên cứu tìm tòi của mình, ông Biến giảng giải cho chúng tôi ngọn nguồn về các điệu xòe, về vai trò của xòe trong đời sống văn hóa người Thái vùng đất này. Trong cuộc sống tinh thần của người Thái đen Mường Lò (chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu dân số tại Nghĩa Lộ), xòe Thái đã gắn bó với đồng bào nơi đây, trở thành một món ăn tinh thần, phong tục văn hóa không thể thiếu.
Mường Lò nổi tiếng với các điệu xòe, trong đó có 6 điệu xòe cổ, được các nghệ nhân coi là khởi nguồn của 36 điệu xòe khác. Cũng chính bởi điều này, người Thái Mường Lò có câu “Không xòe không tốt lúa, không xoè thóc cạn bồ, không xòe trai gái không thành đôi”... Còn nhớ, màn đại xòe cổ xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2013 được tổ chức với sự tham gia của 2033 người, trong đó có 2013 người tập luyện 6 điệu xòe cổ và 20 người tham gia dàn nhạc cụ dân tộc. Nghệ nhân Lò Văn Biến kể, khi đó, ông được giao nhiệm vụ hướng dẫn hơn 200 diễn viên không chuyên tập luyện 6 điệu xòe cổ mang hồn cốt của đất Mương Lò gồm: Khắm khen (tức Nắm tay nhau), Ðổn hôn (tức Bước tiến lùi), Phá xí (tức Bố bốn), Nhôm khăn (tức Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (tức Nâng khăn mời rượu); Ỏm lọm tốp mư (tức Vỗ tay đi vòng tròn).
Màn xòe Thái với sự tham gia của 2013 người
Theo ông Biến, ngày trước nhiều đội văn nghệ không biết và cũng không thể hiện được hết các điệu xòe cổ. Khi đó, ông đã được chính quyền địa phương mời đến đề truyền dạy cho lớp trẻ. Nhận thấy việc này là quan trọng, nếu không sẽ mai một, bất chấp tuổi tác và sức không còn khỏe, ông Biến vẫn nhiệt tình truyền dạy cho các đội văn nghệ của vùng quê của mình. Khi làm việc này, ông thấy vui, và thấy mình làm được việc có ý nghĩa. “Nếu có chết cũng thấy yên lòng” - ông Biến cười hồn hậu nói.
Đến nay tất cả 7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đều có đội văn nghệ, lúc nào cũng có thể phục vụ du khách phương xa. Trong đó, 6 điệu xòe cổ đội văn nghệ nào cũng biểu diễn thuần thục, thậm chí được coi là mũi nhọn. “Nhờ những hoạt động tích cực của các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở đã góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái nơi đây. Điển hình là đội văn nghệ bản Đêu - xã Nghĩa An hay đội văn nghệ bản Tông Pọng - phường Tân An, đội văn nghệ bản Cang Nà - phường Trung Tâm...” - nghệ nhân Lò Văn Biến nói.
Trong 6 điệu xòe cổ được sắp xếp theo tuần tự ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong đời sống của người Thái thể hiện qua các thái cực tình cảm của gia chủ với khách mời và trong không gian giao lưu văn hóa cộng đồng. Theo ông Biến, khi chúng ta xòe, ai cũng đều nắm tay nhau, điều ấy giúp mọi người phải găn kết nhau lại, phải đoàn kết nhất trí, cùng giơ tay tức là cùng 1 lòng… Hay nói như bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, trong tất cả các lễ hội, các cuộc vui, điệu xòe không bao giờ thiếu, nó tạo nên sự gắn bó cộng đồng và sự hòa nhập của người dân nơi đây với những du khách đến với địa phương.
Chẳng ai biết múa xòe của dân tộc Thái xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ nhiều đời nay, những giá trị văn hóa đặc trưng của điệu xòe vẫn luôn được những người con gái Thái từ các bà các mẹ các chị gìn giữ qua nhiều thế hệ. Vẻ đẹp điệu xòe qua những bàn tay thon mềm và duyên dáng, quyến rũ và gợi tả bởi những chiếc áo cóm truyền thống hay chiếc khăn thổ cẩm quàng trên ngực xoay đảo trong vòng xòe bên ánh lửa trại của các cô gái Thái. Bức tranh đầy sắc màu, một sự đại diện tầng văn hóa của vùng Tây Bắc.