Người giữ hồn dân tộc qua tranh khắc gỗ

Mai Hoàng 19/05/2016 15:05

Nhắc tới họa sĩ Trần Nguyên Đán nhiều người nhớ ngay tới một bậc thầy của tranh khắc gỗ Việt Nam. Ông đã đoạt giải thưởng Nhà nước với cụm 5 tác phẩm: “Nghệ nhân Hàng Trống”, “Chăm học chăm làm”, “Trở lại Tam Bạc”, “Hội đền Hùng” và “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Tháng 3/2016, sau 13 năm “ở ẩn”, họa sĩ Trần Nguyên Đán đã “tái xuất” với triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Người giữ hồn dân tộc qua tranh khắc gỗ

Họa sĩ Trần Nguyên Đán tự họa.

Cái duyên với vũ điệu khèn Mông

Tìm đến nhà ông ở khu phố Khương Trung (Hà Nội), mới thấy sự bền bỉ làm nghề của một bậc trưởng lão trong làng tranh khắc gỗ. Dù đã ở tuổi 75, ngày ngày ông vẫn cần mẫn vẽ vẽ, khắc khắc.

Từ khi nghỉ hưu (2003) đến nay, ông vẫn miệt mài đi và vẽ. Vùng núi cao phía Bắc, đặc biệt là mảnh đất Sa Pa (Lào Cai) đã khiến họa sĩ trở đi trở lại nhiều lần và hoàn thành những tác phẩm tranh khắc, mộc bản độc đáo về văn hóa, phong cảnh và phong tục của bà con trên non cao.

Người giữ hồn dân tộc qua tranh khắc gỗ - 1

Người giữ hồn dân tộc qua tranh khắc gỗ - 2

2 tác phẩm trong bộ tranh Múa khèn của họa sĩ Trần Nguyên Đán.

Đặc biệt, họa sĩ Trần Nguyên Đán đã vẽ hơn 100 bức tranh về các vũ điệu khèn Mông, với các sắc thái khác nhau. Đến nay, nhiều bức đã nằm trong các bộ sưu tập tranh khắc của nhiều nhà sưu tập. Trong căn phòng lưu trữ tranh của ông hiện nay vẫn còn khoảng dăm chục bức tranh về đề tài này, qua đó cho thấy sức lao động và sáng tạo của ông với mảng đề tài về vùng cao qua tranh khắc gỗ.

Họa sĩ cho biết, ông đặc biệt có cảm hứng khi vẽ tranh khắc về các điệu múa khèn của người Mông. Đến vùng non cao nào, ông cũng tìm kiếm không gian của các điệu khèn Mông, ghi chép, ký họa lại rồi về nhà dựng thành các tranh khắc. Ông cũng mua nhiều tấm vải thổ cẩm của bà con dân tộc, mua những chiếc khèn Mông về treo trong căn phòng của mình, để “nuôi cảm hứng những lúc không có điều kiện đi xa”. Trong kế hoạch sáng tác của mình, cuối năm nay ông sẽ có chuyến trở lại Sa Pa để tiếp tục làm phong phú hơn những tác phẩm tranh khắc về vùng núi cao Tây Bắc.

Người giữ hồn dân tộc qua tranh khắc gỗ - 3

Cô gái Dao đỏ và chàng trai Mông (mộc bản).

Bền bỉ như ong thợ

Trong ngôi nhà ở phố Khương Trung, nơi các đồ vật đều cất lên tiếng nói của thời gian, họa sĩ Trần Nguyên Đán bảo, vẽ giúp ông sống khỏe, sống yêu đời hơn. Vì thế, từ năm 2003, khi rời ghế Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để nghỉ hưu đến nay, ông cứ âm thầm làm việc trong nhà, ít khi xuất hiện trên truyền thông, cũng không bày triển lãm.

Tháng 3 vừa rồi, được sự thúc giục của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, họa sĩ Trần Nguyên Đán mới chịu xuất hiện để bày triển lãm sau 13 năm sống như ở ẩn. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày hơn 100 tác phẩm, chủ yếu là tranh khắc gỗ và mộc bản. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa nhận xét: “Họa sĩ Trần Nguyên Đán là một gương mặt đặc biệt trong làng Mỹ thuật Việt Nam bởi ông chuyên tâm gần như triệt để vào một chất liệu duy nhất: tranh khắc gỗ.

Trong khi đa số các thể loại hội họa và đồ họa nước ta có xuất xứ phương Tây và mới chỉ được định hình từ đầu thế kỷ XX thì tranh khắc gỗ có truyền thống lâu đời với các dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống… từ ba- bốn trăm năm nay, thậm chí có thể còn xa xưa hơn nếu kể đến tranh minh họa mộc bản Phật giáo và tranh bùa chú Đạo giáo. Với rất nhiều giải thưởng đã giành được, Trần Nguyên Đán có quyền tự hào là một trong số không nhiều họa sĩ đồ họa tiêu biểu của Mỹ thuật Việt suốt từ nửa cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Tranh ông đáng chú ý ở chỗ: bao giờ cũng nổi bật tinh thần dân tộc Việt từ bố cục, mảng đậm nhạt đến đường nét, màu sắc… thậm chí cả cái duyên dáng làm điệu cũng có hồn dân tộc”.

Người giữ hồn dân tộc qua tranh khắc gỗ - 4

Tranh khắc “Chợ trâu Tây Bắc”.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán quê ở Bắc Ninh, là hội viên ngành đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1974. Sau khi ra trường ông công tác tại Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa (1971 - 1980); cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam rồi làm Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật (1981- 2003)… Sự nghiệp của ông cũng khá đa dạng, với tranh khắc trên gỗ, trên thạch cao, trên bìa; rồi trên vải, lụa… Tuy vậy, ông để lại nhiều dấu ấn rõ nét nhất trên mảng tranh khắc gỗ mang đậm hồn cốt Việt Nam.

Dù được ngành học được đào tạo là nghệ thuật hoành tráng, nhưng họa sĩ Trần Nguyên Đán lại thành công với tranh khắc. Ông thú nhận, vì mê mà cứ “học mót” nghề của các họa sĩ bậc thầy. Rồi mày mò tìm tòi, tạo ra cách riêng của mình. “Trong nghệ thuật phải biết giấu dốt, và cũng phải biết giấu cả sự khôn ngoan”, ông nói.

Bên cạnh khắc gỗ, những ngày tháng này, Trần Nguyên Đán có xu hướng “thích” khắc trên thạch cao và bìa. Ông bảo: Mình già rồi, khắc trên gỗ cũng mệt hơn, đồng thời gỗ thì đắt nên cũng hạn chế. Gỗ khắc thường là gỗ thị, gỗ lòng mực, gỗ mỡ. Gỗ vàng tâm cũng có thể, nhưng thường giòn.

Ông làm nhiều, bền bỉ như con ong thợ. Họa sĩ kể: Ngày xưa nghèo, khắc xong in xong thì lại mang ra bào cho nhẵn để lấy gỗ khắc tiếp. Thậm chí khắc cả 2 mặt, có khi trên một mặt có bức tranh to còn 3, 4 bức tranh nhỏ. Tiết kiệm từng centimet gỗ một. Rồi có năm, nhà ông bị cháy cũng mất đi một số mộc bản và tranh. Hồi đó ông ở khu Thanh Xuân, nhà lợp giấy dầu, khi cháy là “chạy sạch”.

Chia tay họa sĩ Trần Nguyên Đán, ông tâm sự rất chân thành: “Dù vẽ Hà Nội hay Sa Pa, Hội An, Huế… tôi đều vẽ bằng con mắt của riêng mình. Không phải là người chụp ảnh, rằng phải đúng phải thật. Nghệ thuật có thật có hư, vừa có lý vừa phải có tình”.

Tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán đáng chú ý ở chỗ: bao giờ cũng nổi bật tinh thần dân tộc Việt từ bố cục, mảng đậm nhạt đến đường nét, màu sắc… thậm chí cả cái duyên dáng làm điệu cũng có hồn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người giữ hồn dân tộc qua tranh khắc gỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO