Trong vài năm gần đây, đã có hàng nghìn người đăng ký hiến thận cho ngành y tế góp phần cứu sống người bệnh. Hầu hết họ chỉ chấp thuận hiến tạng sau khi chết não. Nhưng bên cạnh đó, có một số người hảo tâm tình nguyện hiến tạng ngay cả từ khi mình còn sống.
Mẹ con bà Lê Thị Thảo- những người hiến thận ngay từ khi còn sống.
Đó là bà Lê Thị Thảo (sinh năm 1961), và con gái của bà, chị Bùi Thị Hoà (sinh năm 1986), ở thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2015, bà Thảo hiến thận và là người thứ ba ở Việt Nam đăng ký và đã hiến tặng thận cho một người vô danh không quen biết.
Một năm sau, đầu năm 2016, con gái thứ hai của bà Thảo là Bùi Thị Hòa cũng noi gương mẹ hiến tặng một quả thận của mình. Sau khi hiến thận 12 ngày bà Thảo lên chùa làm công quả, hái 300 bông sen lễ Phật rồi một tháng sau đó lại trở về với công việc đồng áng.
Người phụ nữ nông dân 56 tuổi này vẫn bê được bao đất 40-50kg để trồng cây, bê bao ximăng 50kg phụ hồ trộn vữa băng băng... Đầu đuôi câu chuyện hai mẹ con chị Thảo cùng đi hiến tặng thận thế này.
Tại một buổi tuyên truyền hiến giác mạc cho những người mù, do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Bệnh viện mắt Trung ương tổ chức, bà Thảo tình nguyện ký đơn hiến tạng của mình sau khi chết não.
Tình cờ vào cuối năm 2014, được mời tham dự một cuộc hội thảo ở Đồ Sơn, Hải Phòng về ý nghĩa của việc hiến tặng tạng, bà Thảo được tặng một cuốn cẩm nang và từ đó biết được mình có thể hiến tạng từ khi còn sống.
Thế là bà quyết định sẽ hiến một phần thân thể của mình cho ai bị bệnh hiểm nghèo cần được ghép tạng. Người được ghép phải là người nghèo - đó là yêu cầu duy nhất của bà trong việc này. Vậy nhưng, quan trọng là người được nhận phải phù hợp với tạng hiến.
Được ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người giải thích như vậy, bà Thảo nghe ra và chấp thuận hiến tặng tạng vô điều kiện, cho người vô danh. Để có thể hoàn thành tâm nguyện này, bà đã phải một mình đi xe máy đến cả chục lần đến BV Việt Đức làm đủ các loại xét nghiệm.
Cứ mỗi lần đi như vậy là một lần bà lại giấu chồng con, thậm chí giấu cả các Phật tử thân thiết ở chùa, rồi lại về nhà chờ đợi. Chờ lâu quá, không thấy Trung tâm này gọi, chỉ sợ họ quên hoặc lo mình không đủ điều kiện hiến tạng, có lần sốt ruột bà gọi điện cho các anh bên đó. Trung tâm bảo kết quả kiểm tra cho thấy bà hơi thiếu máu, đề nghị bà... tẩy giun.
“Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến tẩy giun. Lại có lần các anh ấy bảo mỡ máu có vấn đề dù tôi ăn chay trường nhiều năm”, bà Thảo kể.
Chính từ những ngày ở BV chăm sóc mẹ sau hiến thận mà chị Hòa, con gái bà Thảo, cũng noi gương mẹ hiến thận.
“Cô còn trẻ, lại chưa lập gia đình, hiến thận lúc còn sống e sau này người thương có thể không thông cảm…”. Nghe ông Phúc khuyên bảo nhưng cô Hòa vẫn một mực quyết định hiến tạng, để rồi một ngày tháng 3-2016, ca hiến ghép tạng này cũng đã thành công. Hòa đã học xong đại học, là cô gái rất xinh xắn. Cho đến nay, khi được hỏi về chuyện gia đình, con cái, hai người phụ nữ này chỉ cười giòn.
Bà Thảo rất vui khoe với chúng tôi hai đứa cháu ngoại rất mạnh khỏe, nhanh nhẹn và thông minh. “Đợi đến chết mới có thể chia sẻ thì... lâu lắm. Chuyện bình thường mà, cho đi là để nhận lại, có gì đặc biệt đâu! Tôi mong làm được nhiều điều tốt để tích góp chút công đức cho cha mẹ và những người thân. Đơn giản vậy thôi chứ không phải đi hiến tạng là tôi muốn làm điều gì cao xa” - bà Thảo tâm sự.
Nói về hai mẹ con bà Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Nguyễn Hoàng Phúc, người trực tiếp tư vấn cho họ, nhận định: “Ở Việt Nam chủ yếu người hiến tạng từ khi còn sống là người ruột thịt, hãn hữu mới có người hiến cho người vô danh. Mẹ con chị Thảo là trường hợp đặc biệt, có thể nói là tốt vô tiền khoáng hậu”. (Vì e ngại tình trạng mua bán tạng nên pháp luật không chấp thuận cho hiến - ghép tạng đối với những người tình nguyện hiến cho người cụ thể- PV).
Ông Phúc cũng cho hay, đến nay, trên cả nước đã có hơn 40 người tình nguyện hiến tạng cho người vô danh từ khi còn sống.