Từ chất liệu than đá và vỏ con điềm điệp, hoạ sĩ Nguyễn Hiệp đã cho ra đời những bức tranh mang đậm dấu ấn của đất Mỏ, thể hiện niềm tự hào về thứ vàng đen miền Đông Bắc Tổ Quốc và ẩn chứa sắc màu lung linh, lấp lánh từ vùng vịnh di sản.
Trong không gian ấm cúng của căn nhà nhỏ nằm cuối ngõ 18 Cao Thắng (TP Hạ Long), chúng tôi được nghe hoạ sĩ Nguyễn Hiệp kể về chặng hành trình tìm đến và chinh phục nghệ thuật của mình.
“Năm 1972, tôi bắt đầu vào làm công nhân than, thế nhưng bằng một cái duyên tình cờ, tôi gặp hoạ sĩ Lê Chuyền và từng bước tìm hiểu, học hỏi và bắt tay vẽ những nét đầu tiên. Trong quá trình vẽ, tôi chợt nảy ra ý tưởng sử dụng chính chất liệu sẵn có của quê hương mình để đưa vào trong tranh, tạo nên dòng tranh mang đậm dấu ấn của đất Mỏ”, họa sĩ Nguyễn Hiệp tâm sự.
Chất liệu mà hoạ sĩ Nguyễn Hiệp sử dụng là than đá và vỏ con điềm điệp để tạo nên 2 màu sắc trắng đen cho bức tranh. Lý giải lý do sử dụng chất liệu này, vị họa sĩ bộc bạch: “Than đá được xem là thứ vàng đen của Tổ quốc, còn vỏ con điềm điệp lại lấp lánh sắc màu, tượng trưng cho sự trù phú, rực rỡ của vùng vịnh biển di sản. Khi kết hợp lại sẽ tạo nên một bức tranh mang đậm dấu ấn của đất và người Quảng Ninh”.
Nghĩ là làm, họa sĩ Nguyễn Hiệp bắt tay vào công đoạn nghiên cứu, thử nghiệm 2 chất liệu này lên trên chính những bức tranh của mình. Phần than được lựa chọn phải là loại than đá, có độ bóng cứng, còn về phần vỏ điềm điệp phải xử lý thật sạch. Tất cả vật liệu được đem đi giã nhỏ, tuy nhiên theo từng vị trí lại cần những kích cỡ khác nhau, đòi hỏi người nghệ sĩ phải mất nhiều thời gian trong việc xử lý.
Bức tranh sau khi được vẽ phác thảo bằng chì, lên màu, đổ màu ướt sẽ đến bước phủ bột điệp và bột than. Tiếp đó, người họa sĩ sẽ trải tấm báo lên trên bức tranh, dùng chai thuỷ tinh lăn đều để than và điệp bám chắc lên bức tranh. Công đoạn phủ than và điệp sẽ mất từ 4 đến 5 lần, sau đó phết một lớp sơn trong vừa để tạo độ bóng, độ sáng, vừa giữ bức tranh bền đẹp. Để làm ra mỗi tác phẩm, hoạ sĩ Nguyễn Hiệp phải mất từ 1 đến 3 tháng.
Nhớ lại về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình trong hành trình làm tranh than điệp, hoạ sĩ Nguyễn Hiệp kể lại: “Năm 1991, tôi cùng cán bộ ngành Than trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh một bức tranh chân dung Bác Hồ làm bằng chính chất liệu than điệp. Tác phẩm này được tôi làm liên tục trong 3 tháng trời. Bức tranh mang đậm dấu ấn, niềm tự hào của đất và người Quảng Ninh, thể hiện tấm lòng kính yêu và sự thành kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam”.
Trong suốt hơn 40 năm theo đuổi dòng tranh than điệp, đề tài mà họa sĩ Nguyễn Hiệp tâm đắc nhất chính là về vẻ đẹp của người thiếu nữ vùng Than. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên với những đường nét quyến rũ, gắn với hình ảnh miền di sản Hạ Long đã mang cái nhìn vô cùng mới mẻ, độc đáo.
Vừa tỉ mẩn chỉnh sửa lại một số chi tiết, người họa sĩ vừa giới thiệu cho chúng tôi về bức tranh tâm đắc của mình: “Đây là bức tranh tôi lấy cảm hứng về hình tượng nàng tiên cá, ở đây tôi lồng ghép hình ảnh mây nước Hạ Long để tôn lên vẻ đẹp huyền ảo, thơ mộng. Nhìn từ xa, khi ánh sáng phản chiếu, bức tranh sẽ lấp lánh sắc màu xà cừ trắng và màu đen óng ánh của than đá”.
Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, những bức tranh hiện lên vô cùng sống động, “có hồn, có tình” và phảng phất chút hương, chút gió mặn mòi của vùng vịnh Hạ Long.
Không chỉ tập trung vào những bức tranh về hình mẫu người phụ nữ, họa sĩ Nguyễn Hiệp hiện đang lên kế hoạch thực hiện một bức tranh than điệp về vùng vịnh Hạ Long những ngày xưa cũ với những ngọn núi trùng điệp, những cánh buồm bồng bềnh hay những nếp nhà yên ả…
Giờ đây, khi đã ở độ tuổi xế chiều, họa sĩ Nguyễn Hiệp vẫn ngày ngày miệt mài vẽ tranh và ấp ủ nhiều dự định với dòng tranh đặc biệt này. Trong tương lai, họa sĩ Nguyễn Hiệp hy vọng rằng sẽ giữ gìn, lan tỏa và phát triển được dòng tranh than điệp để trở thành một sản phẩm du lịch mang đậm những dấu ấn của địa phương.