Người họa sĩ mê núi rừng

Thư Hoàng 07/01/2016 15:42

Mỗi lần gặp họa sĩ Cao Ban Ban đều thấy anh khoe vừa “lên núi” về. Cùng với hành trang mang về, thường là rất nhiều bức tranh rực rỡ sắc màu về vùng núi cao Tây Bắc. Ở đó, luôn có điều gì mê hoặc quyến rũ trái tim người nghệ sĩ, để hàng năm, anh đều thực hiện những chuyến rong ruổi của mình.

Tác phẩm “Về bản”

Trong hành trình đó, Cao Ban Ban có thể dừng lại bất cứ nơi đâu, trò chuyện với bất kỳ người dân tộc nào mà anh gặp. Rồi anh lôi giá vẽ và mực màu ra vẽ. Cao Ban Ban vẽ phong cảnh của Sa Pa, của Bắc Hà hay Mường Khương... Rồi anh vẽ những em bé bản Mông bên hiên nhà phủ rợp hoa mận, vẽ những cô gái người Dao đang làm nương, những phụ nữ Mông đang dệt vải... Những gam màu tươi sáng, tràn đầy khát vọng hiện ra trong các bức tranh của Cao Ban Ban dễ làm say lòng người.

Họa sĩ Cao Ban Ban sinh năm 1953, quê ở Nho Quan - Ninh Bình. Hiện anh là giảng viên khoa Mỹ thuật - Viện Đại học Mở Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa hội họa hoành tráng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam khóa 1980 – 1985, bắt đầu vẽ tranh từ những năm 1980. Cho đến nay, Cao Ban Ban đã tham gia nhiều triển lãm chung và riêng, nhưng tên anh vẫn còn ít được biết tới, thậm chí chìm khuất giữa đám đông họa sĩ nổi như cồn. Điều ấy có vẻ cũng không khiến anh quá bận tâm, bởi anh đã chọn cho mình một lối đi nhỏ.

Nhắc đến Cao Ban Ban, nhiều người nhớ đến những bức tranh sơn mài, sơn dầu về vùng cao, điều đó làm anh thấy hạnh phúc. Nhiều họa sĩ đã nhận xét, sự phối kết màu, cả kỹ xảo sơn mài, làm cho ngôn ngữ biểu cảm trong tranh Cao Ban Ban tinh tế, nhuần nhị hơn, tạo nên những bức tranh có sức thu hút, hấp dẫn riêng đối với công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật.

Họa sĩ Cao Ban Ban

Nhà phê bình nghệ thuật Trần Thức nhận xét: “Tranh Cao Ban Ban đã gây được ấn tượng tốt với người xem: hồn nhiên, ngây thơ, chân thật, sinh động. Triển vọng đã mở ra: Không đi vào đường mòn. Không bị sa vào nhàm chán, trùng lặp. Không quan tâm nhiều tới chất liệu và kỹ thuật gia công theo công thức giáo khoa trường quy; tránh được sự khôn ngoan, kỹ sảo. Xúc cảm và rung động chân thực trước cái đẹp. Đôi khi xử lý còn vụng về, nhưng là sự vụng về đáng yêu, dễ tha thứ”.

Đặc biệt, nhà phê bình Trần Thức cũng đồng cảm với nhiều tác phẩm của Cao Ban Ban như: “Biên giới mùa xuân”, “Về bản”, “Mùa hè”, “Gọi bạn”, “Chiều nghiêng” (Sơn mài); “Bạch hổ”, “Phong cảnh Tà Phìn”, “Giao mùa” (Sơn dầu)… “Đó là những bản nhạc, bài thơ đầy ý vị, giàu tình yêu, tình người, sự gắn bó chung thủy giữa con người với cảnh vật thiên nhiên giầu đẹp. Vì vậy, tranh cũng giầu tính nhân văn nghệ thuật”, ông Thức nói.

Quả vậy, tác phẩm “Biên giới mùa xuân” (sơn mài, 80x180cm) được công chúng đánh giá đã thể hiện kỳ công để tạo ra mảng màu rực rỡ, tươi vui nơi miền cực Bắc, xua tan khí lạnh âm u. Vẽ vùng núi, Cao Ban Ban thường chọn màu sắc rực rỡ để thể hiện cho thấy sự đầy đặn về năng lượng và cái nhìn lạc quan.

Họa sĩ Bàng Ái Thơ chia sẻ: “Dù dùng gam trầm hay gam lạnh thì những mảng màu của họa sĩ thay cho “bình minh” đã mang đến những cảm xúc tươi vui vào trong cuộc sống của mình. Đứng trước từng tác phẩm của anh ta hãy cứ nhâm nhi mà thưởng ngoạn ta như đang được dự một bữa tiệc sắc màu “sạch sẽ” mà những gia vị của nó là những tình cảm nảy nở được hòa quyện giữa sắc màu và cuộc sống”.

Quả thực, nhắc đến Cao Ban Ban, nhiều người chưa biết, thậm chí họa sĩ Ngọc Linh còn tưởng anh là người dân tộc. Sự nhầm lẫn đáng yêu ấy càng khiến Cao Ban Ban vui hơn, bởi được hòa mình vào thiên nhiên con người vùng núi cao Tây Bắc luôn là ước mơ của anh, để anh có dịp vẽ thêm thật nhiều tác phẩm về những bản làng người Dao, người Mông, người Giáy... nơi biên cương Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người họa sĩ mê núi rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO