“Tết Huế có rất nhiều điều thú vị, diễn ra từ trước Tết cả tháng. Tháng 12 âm lịch còn gọi là tháng Chạp vì dành cho việc chạp mộ. Chạp là hoạt động con cháu rủ nhau người cuốc, kẻ rựa ra nghĩa trang dọn sạch cỏ cây um tùm, đắp đất cho mồ mả tổ tiên”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc chia sẻ.
Cụ thể, theo nhà văn Thanh Ngọc thì ban đầu là chạp làng - chăm sóc mồ mả các bậc khai canh khai khẩn, các mồ mả người làng xưa giờ không ai chăm sóc. Kế đến là chạp phe (giáp) chăm sóc các mộ phần vô danh trong nghĩa trang của phe.
Rồi đến chạp họ, chạp phái - chăm sóc mồ mả các bậc tiên tổ của họ tộc, các mồ mả vô danh con cháu trong họ phái. Cuối cùng là chạp nhà, là ngày con cháu trong đại gia đình đi thăm mồ mả cha ông. Đưa ông Táo xong là đến cúng tổ các nghề. Sau cúng tổ nghề, các xóm, các ngõ cúng tất niên. T
ùy xóm mà mâm cỗ lễ cúng tất niên nhiều hay ít nhưng bao giờ cũng đủ bàn thượng, trung, hạ; cúng cả con heo quay là chuyện thường nhưng nhiều nhất là đồ hàng mã, giấy vàng bạc, áo binh cho người âm ăn Tết. Nay ở Huế vẫn có mấy xóm bờ sông còn làm những chiếc đò nhỏ bằng bẹ chuối để cúng, gọi là đò độ hồn qua sông ăn Tết. Trên đò để một nắm cơm, ít thịt muối, giấy tiền, thả trôi theo dòng ra biển “như một bài thơ dài của dương gian".
Còn từ ký ức, Tết của tuổi thơ ông đã diễn ra như thế nào?
- Tôi nhớ hồi còn nhỏ, cha tôi thỉnh thoảng cho tôi từ Huế về quê ở lại ăn tết. Tôi ở nhà từ đường do bác Sắt, anh trai của cha tôi trông nom, nên chứng kiến khá nhiều lễ nghi dịp Tết. Từ sau ngày ông Táo về trời, bác Sắt cho dựng nêu vào buổi chiều. Cây nêu thường được chọn từ luỹ tre trước nhà, cây nào cao nhất thì được chọn. Chọn xong tre, bác Sắt sai người con trai đầu đốn hạ, trẩy mắt tre, chừa lại cái đọt tre còn nguyên đám lá.
Rồi bác lấy dải lụa đỏ treo vào ngọn tre. Lúc bấy giờ mấy người con trai cũng đã đào xong cái hố. Chuẩn bị đâu đấy xong xuôi, bác lập bàn thờ làm lễ thượng nêu. Cái khoảnh khắc vui nhất của bọn trẻ con chúng tôi là lúc gốc cây nêu được đặt xuống hố, nén đất lại. Cây nêu mọc ngay trong sân, trước sự reo hò ầm ĩ của trẻ con trong thôn Giáp Kiền. Cây nêu cao vút tầng không, ngọn tre với dải lụa như đạo bùa bay bay trong gió, hứa hẹn năm mới ma quỷ không bén mảng đến ngôi nhà. Có năm dựng nêu xong, bác Sắt xoa đầu tôi nói: “Thằng ni tối ni chắc ngủ hết mộng mị rồi”.
Tết là sum họp gia đình, là khởi đầu cho một năm đầy may mắn với nhiều phong tục, nghi lễ đặc trưng của vùng miền. Tết ở Huế có những điều gì thú vị, thưa ông?
- Các gia đình làm gì thì làm, ngày 30 Tết phải bày mâm cỗ để cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Đây cũng là dịp gia đình sum họp nên con cháu dù ở xa mấy cũng tìm cách về kịp cúng cỗ ngày 30. Rồi khuya có cúng quan Hành khiển trước khi cúng đón giao thừa ít phút.
Trong ngày mùng Một Tết, nghi lễ đầu tiên là lễ cúng Nguyên đán. Lễ vật gồm trà bánh, bát trầm đơn giản mà tinh khiết, sau lễ ấy mới mở cửa du xuân, đón khách. Mùng Hai Tết là cúng Tết nhà, phải là mâm cao cỗ đầy để cầu mong phúc lộc năm mới. Trong lễ cúng này có cắt giấy vàng bạc thành những miếng vuông dán song đôi trên các đồ vật, cửa ngõ, trong nhà. Người trong nhà, có khi cả bạn bè đến chơi gặp lúc cũng bỏ hết tiền trong ví ra, đặt trên mâm gạo, cúng để mong năm mới có tiền đầy túi. Mùng Ba Tết thường cúng đưa buổi chiều để thưa trình ngày Tết đã hết, xin tiễn ông bà tổ tiên về cõi trên. Qua Tết lại có cúng dâng sao, cúng đầu năm, cúng Nguyên tiêu...
Bao nhiêu lễ cúng là bấy nhiêu sự khéo léo của nữ công gia chánh bày ra trên mâm cỗ. Nhiều người thắc mắc cúng nhiều như thế thì thời gian đâu mà các bà chơi Tết? Có người đùa: Thì đã có bao nhiêu kiêng cữ để bù lại như ngày Tết kiêng quét nhà, kiêng đổ rác, kiêng bất hòa gắt gỏng... Thì cũng có người trợn mắt: Răng không nói thêm kiêng làm bể đồ dùng, kiêng cho lửa, kiêng cho nước, kiêng cho vay mượn…
Ngày mùng Một kiêng ăn tôm vì giống đó nhảy nhót lung tung; làm bếp không quết giã động đất, động nhà; quét rác thì quét vô tấp đống trong nhà, không quét ra ngoài kẻo lộc đi mất; ai mắc nợ thì không được đòi trong ba ngày Tết…
Lục đục làm mứt, làm bánh, làm dưa, nấu nướng trong mấy ngày Tết cũng vui nhưng lớp trẻ thì chỉ mong phiên phiến thôi để còn thời gian đi chơi. Chơi Tết hiện nay chỉ còn lác đác vài món xưa như cua bầu, bài tới, xăm hường, đu tiên, vật võ, đua ghe...
Một chuyện ít người biết là đến nay, nhiều người Huế vẫn duy trì việc sáng mùng Một, cả nhà ăn lót dạ món “canh suông” là món canh mướp ngọt nấu với bún và ít thịt cho dễ ăn, mong cả năm mọi điều suôn sẻ. Món đó dễ ăn, cũng không ớn sau bữa cỗ đầy thịt thà ngày 30 Tết.
Tết cũng là nơi lưu giữ không gian văn hóa truyền thống thiêng liêng, bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, tổ tiên, đất nước, nhất là với Huế, ra sao?
- Người Huế ngày mùng Một, bao giờ cũng phải đến nhà thờ bái lạy tổ tiên, sau đó lên chùa. Xong mới đi thăm gia đình cận thân. Hơn nơi nào hết, người Huế đón Tết đúng câu “Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”.
Rộn ràng nhất ở Huế là tảo mộ sáng mùng Một Tết, năm nào đường lên nghĩa trang núi Thiên Thai cũng kẹt xe hàng giờ, mà ai ai cũng nói cười rộn rã. Rồi sau đó lên các chùa, cũng đông như trẩy hội...
Khơi nguồn lại hương vị Tết, cũng là khơi nguồn những giá trị tinh thần tốt đẹp trong mỗi người, thưa ông?
- Một số ý kiến cho rằng bỏ Tết ta, tôi thấy không nên. Bởi đó đã là truyền thống của dân tộc đã hàng ngàn năm. Cả năm làm lụng, cuối năm có một thời gian về quây quần với gia đình, hưởng thụ hơi ấm tình thân, đó là điều đáng quý chứ. Làm kinh tế là cần thiết, song cũng cần biết cách để tổ chức cuộc sống có ý nghĩa. Nhiều người than phiền bây giờ Tết ngày càng nhạt. Tôi nghĩ một phần cũng bởi ta coi thường những tập tục xưa.
Nhiều người Huế có ý thức gìn giữ Tết Huế xưa. Mấy năm trước, người ta phục dựng phiên chợ Gia Lạc ở phường Phú Thượng, quê hương của nhà văn Thanh Tịnh. Chợ bán các món ngon từ ngoài dân gian lẫn trong cung phủ theo lối cổ truyền như bánh ướt thịt bê xáo, bánh kê gà nướng…; đồ chơi đất nung, guốc gỗ trẻ con, lược chải chí…
Tết Huế bây giờ người ta vẫn tổ chức chơi bài ghế, bài chòi. Tranh Tết dân gian làng Sình hiện vẫn được người dân gìn giữ như đã từng hơn 500 năm về trước. Hoa giấy Thanh Tiên thì có thêm nhiều mẫu mới kể từ khi họa sĩ Thân Văn Huy rời phố về làng sống cùng với bà con làm hoa…
Xin cảm ơn ông!