Người 'kết nối' du khách trở về quá khứ hào hùng ở Ngã ba Đồng Lộc

Cẩm Kỳ 27/07/2023 09:49

“Bén duyên” với công việc thuyết minh viên một cách tình cờ, sau hơn 20 năm gắn bó với nghề, anh Đào Anh Tuân (công tác tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc) đã đưa du khách trở về với quá khứ hào hùng gắn liền với tên đất, tên người tại thung lũng nhỏ hẹp được ví như “túi bom” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Giữa cái nắng gay gắt miền Trung những ngày tháng 7, trong dòng người dài bất tận tri ân các Anh hùng liệt sĩ, những thuyết minh viên ở Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn miệt mài làm việc, chuyển tải những thông điệp lịch sử đến với du khách.

Là một trong những thuyết minh đầu tiên tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, anh Đào Anh Tuân (49 tuổi, trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) với chất giọng trầm ấm của mình, đã trở thành người “kết nối lịch sử” tại Khu di tích lịch sử linh thiêng này.

Hơn 20 năm làm việc, dù đang giữ cương vị Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích, nhưng anh Tuân chưa ngày nào nghỉ ngơi công việc của một thuyết minh viên đã gắn bó với mình suốt bao nhiêu năm qua.

Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.

Trò chuyện với phóng viên, anh Đào Anh Tuân cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, anh được sắp xếp công việc tại Trung tâm văn hoá Thể thao huyện Can Lộc.

Tại đây, trong những hoạt động phong trào văn hoá, văn nghệ, anh Tuân luôn tích cực tham gia với vai trò là một người dẫn chương trình. Sau đó, anh được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh điều động về làm việc tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đúng với chuyên ngành kế toán.

“Hồi đó, lượng khách đến viếng còn ít, công việc của tôi phần lớn chỉ liên quan đến các con số nên khá rảnh rỗi. Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, tôi đã nghiên cứu và tập dẫn thuyết minh về Khu di tích lịch sử này. Một lần đang tập luyện, Trưởng ban vô tình phát hiện và đánh giá tôi có năng khiếu nên đã khuyến khích tôi thử sức với nghề này. Cũng chính từ thời điểm ấy, tôi bắt đầu “bén duyên” với công việc thuyết minh từ đó cho đến nay”, anh Tuân nhớ lại.

Những ngày tháng 7, hàng trăm đoàn du khách đến Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc để tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Thời gian sau đó, anh Tuân cùng lúc làm song song hai nhiệm vụ, vừa làm kế toán vừa làm thuyết minh viên của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ban đầu thuyết minh chỉ là công việc “tự phát” nên anh biết đến đâu sẽ giới thiệu đến đó. Nhìn thấy những giọt nước mắt đồng cảm, xúc động của du khách khi được nghe những câu chuyện lịch sử về nơi đây đã khiến anh thay đổi suy nghĩ.

Năm 2003, anh Tuân quyết định ngưng nghề kế toán để chính thức bắt đầu sự nghiệp của một thuyết minh viên.

Theo anh Tuân, để chạm đến cảm xúc người nghe, anh không ngừng học tập, nỗ lực tìm kiếm các tư liệu lịch sử, tìm gặp nhân chứng để thu nhận cho mình những câu chuyện mới, những chi tiết độc đáo để bổ sung cho bài thuyết minh của mình thêm hoàn chỉnh, để người nghe có thể hiểu thêm sự ác liệt tại chiến trường Đồng Lộc năm xưa, phần nào đó tái hiện lại một thời kỳ hào hùng của những thế hệ thanh niên đã từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Anh Đào Văn Tuân trở thành người “kết nối lịch sử” tại Khu di tích lịch sử linh thiêng này.

Những câu chuyện về nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Thị Tám đứng trên đài quan sát đỉnh núi Mòi “đếm từng loạt bom rơi”; chuyện về sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong đã đi vào lịch sử; sự bất khuất, kiên cường, kiên trung của người dân nơi đây tham gia bảo đảm thông đường cho xe ra tiền tuyến... được anh Tuân truyền tải đến du khách một cách chân thực, sinh động, khiến nhiều người xúc động.

Theo anh Tuân, việc được làm nhịp cầu nối cho các du khách từ mọi miền trở về với hào khí cuộc kháng chiến của quân, dân ta ở Đồng Lộc, bản thân anh cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì đã làm được những việc có ích, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

“Rất nhiều du khách sau khi được nghe kể những câu chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc đã rơi lệ, kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh oanh liệt của các nữ liệt sĩ và các lực lượng chiến đấu tại đây. Những tình cảm yêu mến, trân trọng của du khách đã tiếp thêm động lực cho tôi và các thuyết minh viên tại Ngã ba Đồng Lộc để cố gắng làm tốt công việc của mình mỗi ngày. Với tôi đó là món quà vô giá”, anh Tuân nói.

Các hoạt động tri ân hướng đến 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng nhớ 55 năm ngày sinh của 10 liệt nữ TNXP và kỷ niệm 55 năm chiến tích Làng K130 được Ban quản lý Khu di tích chuẩn bị chu đáo.

Tháng 7 về, mỗi ngày Khu di tích đón hơn 100 đoàn khách đến thăm, viếng và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ngày cao điểm, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón đến 600 đoàn khách. Dịp 30/4 vừa qua, tại đây đã đón đến 10.000 lượt du khách hành hương về địa chỉ đỏ này.

Để phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về với Ngã ba Đồng Lộc, từ đầu tháng 7/2023, Ban Quản lý Khu di tích đã huy động 100% nhân viên làm việc liên tục, không có ngày nghỉ để phục vụ các đoàn khách tham quan. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo các hoạt động tri ân hướng đến 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng nhớ 55 năm ngày sinh của 10 liệt nữ TNXP và kỷ niệm 55 năm chiến tích Làng K130 được đảm bảo tốt nhất.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, nên Mỹ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Nơi đây một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Trưa 24/7/1968, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người 'kết nối' du khách trở về quá khứ hào hùng ở Ngã ba Đồng Lộc