Trong khi thu nhập chưa được cải thiện do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thì nay người lao động lại phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ để “nuôi” phương tiện đi lại bởi giá xăng tăng mạnh. Giá xăng tăng kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao khiến đời sống của người lao động gặp vô vàn khó khăn.
Chị Đào Thị Hoa, KCN Tân Bình (TP HCM) cho biết, gia đình chị gồm vợ chồng và 2 con nhỏ đang làm việc và sinh sống tại KCN Tân Bình, với mức thu nhập mỗi người khoảng 9 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng.
Chị Hoa tính sơ bộ, cháu nhỏ học trường mầm non mỗi tháng hơn 2 triệu đồng; đứa lớn học cấp I cũng trên dưới 2 triệu đồng; tiền thuê nhà hết 3 triệu đồng; xăng xe, điện thoại gần 2 triệu đồng; gửi về quê 2 triệu đồng.
“Còn lại 7 triệu đồng không thể nào đủ trang trải cho 4 miệng ăn, trong khi giá hàng hóa lại tăng hàng ngày, không biết cứ tiếp tục đà tăng này thì gia đình tôi xoay xở thế nào” - chị Hoa than thở.
Trong khi đó, anh Trần Minh Dụng, công nhân KCN Sóng Thần I (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, anh làm việc ở đây được hơn 5 năm, tổng lương bao gồm cả thu nhập tăng thêm ngoài giờ mỗi tháng hơn 11 triệu đồng.
Theo anh Dụng, giá cả các mặt hàng đã rục rịch tăng từ giữa năm ngoái, đặc biệt là khoảng 2 tháng nay, hầu như mặt hàng gì cũng tăng. Người bán có chung giải thích giá xăng tăng, chi phí đầu vào tăng nên kéo theo tất cả các mặt hàng đều tăng.
“Thu nhập của gia đình vốn đã thấp, nay giá chi tiêu tăng chóng mặt nên gia đình tôi chỉ dám mua những mặt hàng cần thiết” - anh Dụng nói.
Còn ông Nguyễn Xuân Lưu (phường Tân Thới Nhất, Quận 12) cho biết, ông làm nghề chạy xe ôm. Trung bình mỗi ngày ông chạy khoảng 200km, tương đương với 5 lít xăng. Như vậy mỗi tháng ông phải tốn gần 5 triệu đồng tiền xăng.
Ông Lưu cho hay, vào thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lúc đó mỗi tháng cũng chỉ tốn khoảng hơn 2 triệu đồng đổ xăng.
“Tuy nhiên, hiện nay tôi phải tốn gần 5 triệu đồng/tháng; trong khi giá cước chở khách chẳng dám tăng, vì tăng là mất khách. Cuộc sống của gia đình tôi đã chật vật nay lại càng khó khăn hơn” - ông Lưu cho biết.
Khảo sát tại các cửa hàng kinh doanh tạp hóa, trung tâm mua sắm, gần một số khu công nghiệp như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cho thấy, hơn 1 tháng qua, giá các mặt hàng thực phẩm như dầu ăn, gạo, nước mắm, thịt, cá, rau các loại…liên tục tăng cao. Nếu so với thời điểm đầu năm nay, giá tăng 15-30%, cá biệt có những mặt hàng tăng 35%.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Điều này đã tác động rất lớn đến chất lượng sống của người lao động.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng - giảng viên Kinh tế Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, xăng dầu là một mặt hàng trong chi tiêu hàng ngày của các hộ gia đình. Giá xăng tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân. Trong rổ hàng hóa tính CPI ở Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân.
Theo ông Tùng, cách tính đó chỉ là con số trung bình nên sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này, và sẽ có những hộ chi tiêu ít hơn. Khi giá xăng tăng, tỷ trọng chi tiêu cho mặt hàng này sẽ tăng lên, dẫn đến giảm thu nhập để chi tiêu vào những mặt hàng khác.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu trong nước dự báo còn tiếp tục tăng, kéo theo hàng loạt các mặt hàng hóa khác tăng giá theo khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người lao động và doanh nghiệp “khó chồng khó”. Chính vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, việc giá xăng tiếp tục tăng sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát khi các doanh nghiệp bắt đầu hoàn thành việc điều chỉnh giá bán các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhằm theo kịp đà tăng của xăng dầu.