Đó là nhận định của Liên đoàn Lao động TPHCM trong buổi khảo sát tình hình quan hệ lao động về xây dựng đề án quan hệ lao động giai đoạn 2023 – 2028 tại TPHCM, ngày 22/3.
Nguy cơ lao động mất việc kéo dài
Liên đoàn Lao động TPHCM hay, năm 2022 có 31 doanh nghiệp (DN) thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, tăng 5 đơn vị so với năm 2021, với tổng số bị mất việc là 2.969 người. Trong đó, 2 DN có thông báo phương án lao động cho nhiều người thôi việc. Cụ thể, Công ty TNHH Việt Nam Saoho cho 1.425 lao động mất việc/8.733 lao động và Công ty TNHH Tỷ Hùng cho 1.185 lao động mất việc/1.822 lao động. Tổng số lao động bị mất việc tại 2 DN này chiếm tỷ lệ 87,91% tổng số lao động bị mất việc của 31 DN. Ngoài ra, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cũng thông báo cho 20.000 người lao động tại một số xưởng sắp xếp nghỉ luân phiên.
Ông Phạm Chí Tâm – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM khẳng định, do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, một số DN gia công da giày, may mặc, nội thất xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm lao động... Ngoài ra, để ứng phó với khó khăn, một số DN đã sắp xếp lại thời gian làm việc phù hợp với nhu cầu sản xuất (không tăng ca, cho người lao động nghỉ thêm thứ 7 hàng tuần) nhằm giữ chân người lao động, để có đủ nguồn lực khi có các đơn hàng mới.
Nói về khó khăn hiện nay, ông Kiều Văn Đồng - Chủ tịch công đoàn Công ty Gỗ Lee Fu (Đồng Nai) cho biết: “Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu vào thời kỳ cao điểm có khoảng 4.000 lao động, nhưng hiện chỉ còn hơn 700 người. Không có đơn hàng, DN khó có thể tái tạo sản xuất nên xảy ra tình trạng cắt giảm hợp đồng lao động”.
Giới chuyên gia dự báo, tình hình còn khó khăn kéo dài khi số lượng đơn đặt hàng tại các DN giảm từ quý IV/2022 và đầu năm 2023. Lượng hàng tồn kho xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm vẫn lớn, dẫn đến việc đặt hàng xuất khẩu cho năm 2023 sụt giảm.
Bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, tính đến nay, có hơn 360 DN với hơn 110.000 người lao động bị ảnh hưởng, đó còn chưa tính đến số lượng lao động nghỉ việc do DN thoả thuận với người lao động vì bị giảm đơn hàng. “Năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí cả quý II năm 2023 dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống” - ông Phạm Chí Tâm nhận định. Điển hình, như Công ty TNHH Pounyen (gần 56.000 lao động) đã cho 18.000 lao động nghỉ luân phiên vào thứ 7 hàng tuần. Trong quý 1/2023 không tái ký hợp đồng lao động khoảng 3.000 người lao động và cắt giảm 3.000 lao động do không có đơn hàng.
Trong bối cảnh này, việc tạo tâm lý ổn định cho người lao động cũng là một trong những yếu tố quan trọng, là trách nhiệm của mỗi DN. Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Chủ tịch công đoàn Công ty Đầu tư và tiếp vận Mê Kông (quận 7, TPHCM) cho biết, để tạo sự an tâm, động viên người lao động, công ty tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Thường xuyên sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động thập thể hàng năm.
Chủ một số DN thông tin, thời điểm này cũng đang nỗ lực kiếm đơn hàng để tạo việc làm cho người lao động nhưng vẫn rất khó khăn. Do đó, rất cần có biện pháp hỗ trợ DN tái tạo sản xuất, tạo việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trước khó khăn hiện hữu, Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục nắm bắt đầy đủ, kịp thời tình hình hoạt động của các DN, số lượng người lao động bị giảm giờ làm việc, nghỉ hưởng lương, ngừng việc,… để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Cơ quan này cũng đã chỉ đạo các cấp công đoàn nắm chắc số lượng người lao động bị mất việc, bị cắt giảm lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của DN thông qua công đoàn cơ sở để giới thiệu việc làm. Các cấp công đoàn chủ động sử dụng nguồn tài chính công đoàn để hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, lao động là người khuyết tật...
Ông Nguyễn Minh Quang - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu quan điểm, vai trò của công đoàn là rất quan trọng. Bởi vậy, các cấp công đoàn cần dự báo tình hình, xu hướng phát triển, các yếu tố tác động đến quan hệ lao động. Đồng thời xác định thời cơ, thách thức cũng như những vẫn đề đặt ra với tổ chức công đoàn trong việc phát triển quan hệ lao động, phát huy tính chủ động của tổ chức công đoàn.