Ngay trong những ngày đầu tháng 4, hai vụ bạo lực học đường đã xảy ra liên tiếp tại Hà Nội và TP HCM. Sự việc học sinh đánh nhau gây nguy hiểm đến tính mạng ngay trong trường học thời gian qua đã dấy lên nhiều lo ngại rất đáng báo động. Nhất là về mầm mống của tội ác trong môi trường giáo dục.
Chưa cần đề cập đến nguyên nhân, nhưng chỉ riêng chi tiết học sinh lớp 9 dùng dao bầu đâm vào bụng bạn học lớp 8 (tại Trường THCS Hồng Hà- Đan Phượng- Hà Nội) khiến bạn gục tại chỗ và tử vong vì vết thương quá nặng cho thấy sự bồng bột đến manh động của một số học sinh.
Ngày 2/4 UBND huyện Đan Phượng đã ra chỉ đạo khẩn sau vụ học sinh lớp 9 Trường THCS Hồng Hà đâm học sinh lớp 8 tử vong. Văn bản hỏa tốc gửi các ban, ngành của địa phương, yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ việc, đồng thời thăm hỏi động viên gia đình nạn nhân.
Còn tại TP HCM, dư luận cũng đang quan tâm đến việc 2 thiếu niên bị đánh tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10). Sở GDĐT TP HCM cũng đã có chỉ đạo khẩn. Theo thông tin sơ bộ, hai thiếu niên bị đánh không phải học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Tố.
Người đánh hai em cũng không phải của nhà trường. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra trong trường nên ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM cho biết, Sở đã yêu cầu UBND Quận 10, Phòng GDĐT quận và trường làm rõ.
Trước tình trạng gia tăng bạo lực học đường thời gian qua, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Đào tạo bồi dưỡng, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, rõ ràng ở một góc độ nào đó, văn hoá ứng xử của học sinh, sinh viên đang có những chiều hướng đáng báo động. Trong đó những hành vi như bạo lực học đường, cả về xâm phạm thân thể cũng như tinh thần của học sinh ngày càng nhiều hơn.
Điều này cho thấy, những biện pháp giáo dục về văn hoá ứng xử trong nhà trường có thể chưa thực sự phát huy hiệu quả và chưa đáp ứng/thích ứng được yêu cầu của sự phát triển.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay chương trình giáo dục còn nặng nề về kiến thức mà chưa thực sự chú trọng những kỹ năng và giá trị sống, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nhiều học sinh chưa trang bị được đủ các giá trị giáo dục sống như giá trị yêu thương, giá trị tôn trọng, giá trị khoan dung. Học sinh không được giáo dục một cách đầy đủ về những việc này, thì khi tiếp nhận những cái xấu các em dễ làm theo, dễ bị lôi kéo, thậm chí kích động dẫn tới những hành vi bột phát.
Rất nhiều vụ việc bạo lực học đường, đánh nhau giữa học trò xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ, đôi khi chỉ là những mâu thuẫn qua mạng xã hội.
Các chuyên gia giáo dục và tâm lý đều có chung nhận định, môi trường sống (gia đình/nhà trường/xã hội) tác động lớn đến hành vi của thanh/thiếu niên hôm nay. Trong đó giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh lẽ ra phải là người có vai trò chính trong việc ngăn chặn bạo lực học đường. Rất tiếc là những hành xử từ người lớn giờ đây cũng có lúc, có chỗ lệch chuẩn, ảnh hưởng tới hành vi của trẻ.