Nhà văn Phạm Công Luận đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về Sài Gòn-TP HCM, lưu giữ những nét văn hoá đẹp đượm phong vị thành phố quê hương qua từng trang viết. Sách của ông bán chạy trên thị trường và được bạn đọc yêu thích. Gần đây nhất, nhà văn Phạm Công Luận mới cho ra mắt hai cuốn “Với ngày như lá, tháng như mây” và “Sài Gòn Gia Định Chợ Lớn - Ký ức rực rỡ”…
Những ký ức đẹp
Nhà văn Phạm Công Luận sinh năm 1961. Ông làm báo từ năm 1983. Phạm Công Luận là cái tên quen thuộc với bao thế hệ học trò bởi ông từng làm việc tại báo Hoa Học Trò, phụ trách mảng phía Nam.
Với đề tài về Sài Gòn, nhà văn đã viết trong mười năm qua, tập trung về đời sống văn hóa, xã hội của Sài Gòn qua trăm năm. Với ông, đó vẫn là bức tranh chưa đầy đủ, vì còn nhiều lĩnh vực mà ông chưa đi sâu. “Nhưng, qua những gì tôi viết, với sự chân thật và cố gắng đến mức có thể, tôi mong độc giả hiểu được nhiều hơn về đời sống thành phố này từ những gì từ trong quá khứ đã tạo dựng nên nó, một thành phố quan trọng bậc nhất, là đầu tàu kinh tế của cả nước”, nhà văn Phạm Công Luận chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, cuộc sống của nhà văn Phạm Công Luận gắn bó với nơi đây. Ông cố của Phạm Công Luận, từng tổ chức xưởng làm nghề thủ công thêu may tại nhà ở Khánh Hội (nay thuộc quận 4) từ cuối thế kỷ 19. “Từ đó đến nay, các thế hệ trong gia đình tôi vẫn sống ở thành phố này, hít thở bầu trời thành phố. Đi đâu tôi cũng thấy dấu vết người thân ở những nơi họ từng học hành, làm việc”, ông tâm sự.
Xóm mà nhà văn Phạm Công Luận ở, một thời được gọi là xóm nhà Tây, vì có vài căn nhà đầu hẻm phía đường Nguyễn Trọng Tuyển xây theo kiến trúc thuộc địa khoảng thập niên 1930. Nhà ba má ông ở gần cuối xóm, trong khu nhà lợp mái tôn. Nhà văn Phạm Công Luận kể: “Thời đó, đa số nhà có vách ván hay xi măng với gác xép, mái lợp tôn. Đường vào xóm là đường đất có lót tấm dale xi măng ở giữa, dùng nước giếng và điện câu nhờ. Thời tôi còn nhỏ, xen giữa nhà cửa và hai khu cư xá gần đó là các bụi tre, mấy cây gòn cao, có bãi đất trống để chơi đá banh và các trò khác. Tôi nhớ nhiều những trò chơi mà các con tôi bây giờ không biết như đánh trổng, đánh bông vụ, đá gà, đá dế,…
Tuổi thơ của tôi êm đềm, mùa hè toàn rong chơi ngoài đường, trời nóng thì chui vào hành lang một biệt thự trong xóm ngủ cho mát hay đến cái giếng gần đó để tắm hay rửa chân. Nhớ nhất là khi ba tôi mua được tivi năm 1967, khu xóm lao động chỗ tôi chỉ có hai nhà có tivi nên con nít và cả người lớn dồn vào một trong hai nhà để xem chung. Từ trong xóm đi ra khỏi con hẻm là chợ Ga, chợ Lò Đúc, đường ra chợ Phú Nhuận nên chung quanh nhiều hàng quán, tiệm phở, tiệm tạp hóa, sạp báo và tiệm cho thuê truyện… cuộc sống tuổi thơ của tôi không buồn tẻ.
Chung quanh, người Nam sống chung với người Bắc di cư vào mấy thời kỳ, người Hoa khá đông, có một ít người Ấn và người Chăm…tất cả sống hòa hợp. Nhờ vậy, đám con nít lớn lên thưởng thức được nhiều món ăn lạ, chơi với bạn bè vui vẻ, đoàn kết, không phân biệt vùng miền.
Lưu giữ nét đẹp Sài Gòn
Qua mỗi trang viết, những hình ảnh và ký ức đẹp với Sài Gòn mà Phạm Công Luận muốn lưu giữ là cảnh phố xá nhộn nhịp với người đi rất đông vào cuối tuần trên đường Lê Lợi. Thời mà ai ra dạo phố hay mua sắm ở trung tâm thành phố đều rất diện đầy vẻ thanh lịch, phụ nữ bận áo dài và xức nước hoa, đàn ông với sơ mi bỏ vào quần Tây… Là những cửa hàng nhỏ, khá đẹp có nhiều trên đường Nguyễn Huệ và quanh bưu điện thành phố, bán tem sưu tầm, phim chụp ảnh, báo và tạp chí...
Và rồi, ông vẫn nhớ nhất Sài Gòn trưa hè, những con đường vắng với hàng cây xanh cao lớn tỏa bóng xuống mái ngói các ngôi biệt thự.
Với Phạm Công Luận, phố xá là nơi ông quan sát, suy nghĩ về đề tài đang viết. Ông đọc và viết hàng ngày, lên lịch phỏng vấn hàng tuần từ những người bình thường đến nổi tiếng để có thể viết sâu về một đề tài với nhiều góc cạnh.
“Cảm giác thường có là khi đi ngang một đoạn phố khá ồn ào với các căn nhà ống, tôi lại nhớ những chuyện đã xảy ra, những kiểu cách sống đã từng có trên con phố đó hàng trăm năm trước. Cảm giác đó rất khó diễn tả, hơi thấy ngợp với bước đi của thời gian khiến mọi thứ có thể thay đổi hoàn toàn”, ông Luận chia sẻ.
“Có vài lần đến nhà phỏng vấn những người lớn tuổi, tôi thấy lại cuộc sống của người Sài Gòn thập niên 1960 khi tôi còn nhỏ. Họ sống trong một ngôi nhà xây từ thời đó và do không sửa chữa nhiều nên vẫn giữ được lớp gạch bông cũ, bộ salon hộp của tiệm đồ gỗ, tranh sơn mài Bình Dương treo trên tường và hoa được cắm trong bình gốm Biên Hòa. Giọng nói của họ cũng là giọng nói miền Nam ngày xưa với cách uốn lưỡi khi nói chữ S mà bây giờ không mấy ai nói. Có khi nhân vật là một người gốc Bắc di cư vào từ năm 1954, với giọng nói không hẳn giống giọng nói của người Bắc bây giờ với những từ cổ.
Để có được bài viết, Phạm Công Luận thu thập tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Thu thập đến đâu, ông cẩn thận ghi chú nguồn đến đó để dẫn lại về sau. Ông lưu từng đoạn văn, lời ăn tiếng nói, một lời kể vu vơ nhưng có chất liệu hay, hình ảnh xưa…. Tất cả được lưu giữ theo chủ đề, thỉnh thoảng được xem lại để tìm ý tưởng hay cảm hứng mới để viết: “Tôi không bao giờ viết chỉ một, mà từ hai đến ba bản thảo cùng lúc để tránh nhàm chán, cuốn nào xong trước sẽ ra trước” - nhà văn Phạm Công Luận tâm sự.
Nhà văn Phạm Công Luận cho hay, ông viết chăm nhưng không nhanh. Một bài với ông có thể mất cả tuần, có khi cả tháng, có lúc phải phỏng vấn vài người để xong một bài ngắn. Nhiều bài đang viết thì bỏ dở, tạm xếp lại cho đến khi rảnh rỗi mới xem lại và chỉ hoàn thành vì có ý mới hay tư liệu mới. “Tôi không phải viết bài chạy theo chỉ tiêu hằng ngày, tuần hay tháng. Đó là sức ép không nhẹ với người viết, dễ ra bài nhưng khó đạt nội dung sâu sắc và khi lấy tư liệu dễ bỏ sót những chuyện hay” – ông chia sẻ.
Thời gian này, nhịp sống ngày thường của nhà văn Phạm Công Luận khi vừa nghỉ hưu từ tháng 5 là chăm sóc nhà cửa và gia đình. Xong việc, ông đi uống cà phê với bạn bè, đọc sách hay viết. Ông dành thời gian trong ngày không nhiều để viết, nhưng đều đặn, không bỏ ngày nào. "Điều đó giúp công việc trôi chảy vì không bị gián đoạn lâu". Khi hai cuốn sách mới được ra mắt, trong đó cuốn tản văn “Với ngày như lá tháng như mây” vừa xuất bản vào tháng 1 năm nay và đang chuẩn bị tái bản, nhà văn Phạm Công Luận tiếp tục viết về một tòa nhà nổi tiếng, một khu vực dân cư đặc sắc và một tập chân dung người Sài Gòn.