Không còn giới hạn ở vùng nông thôn Nam Phi, nghệ thuật đồ họa của nghệ sĩ Mahlangu đã làm sống động, hiện đại hóa cả những nét truyền thống nhất của vùng đất lịch sử.
Với những bộ trang phục cùng họa tiết hình tam giác màu xanh lam đậm, vàng và hồng xếp cạnh nhau một cách ngoằn ngoèo, người nghệ sĩ lớn tuổi đang đi từng bước xuống phía những ngôi nhà giản dị ở vùng nông thôn tỉnh Mpumalanga, phía bắc Nam Phi.
Với hình dạng của những viên kim cương và mũi tên nhảy múa xung quanh với tông màu sắc đối lập một cách hài hòa, có thể nhận ra ngay đây chính là tác phẩm của nghệ sĩ Nam Phi Esther Mahlangu.
Nổi tiếng với những nét vẽ độc đáo trên các túp lều truyền thống và nhiều tòa nhà với thiết kế hình học sống động, bà Mahlangu đã đưa nghề thủ công truyền thống của cộng đồng người Ndebele nghìn đời lưu truyền qua nhiều thế hệ và giành được vị trí độc nhất trong thế giới nghệ thuật trừu tượng đương đại.
Không còn giới hạn ở vùng nông thôn Nam Phi, nghệ thuật đồ họa của Mahlangu đã vươn ra thế giới.
Sự tinh tế đáng kinh ngạc cũng được thể hiện rõ trong cách ăn mặc của bà, khi Mahlangu đeo vòng cổ, khoác áo choàng với những chuỗi hạt và vải truyền thống ở vùng nông thôn Nam Phi trong khi trình diễn tại các phòng trưng bày nghệ thuật tinh xảo.
Phần lớn ngọn lửa đam mê sáng lên trong mắt bà là khi thảo luận về sứ mệnh của bản thân là giữ cho nền văn hóa của người Ndebele ở Nam Phi được lưu truyền.
“Tác phẩm của tôi là sự tôn vinh nền văn hóa cộng đồng, nền văn hóa của người Ndebele, và điều đó khiến tôi tự hào khi thấy nét văn hóa này được phổ biến khắp thế giới. Mọi người có thể nhìn thấy chúng ở Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ và có thể nói là chúng vô cùng đẹp. Đó chính là Ndebele”, bà Mahlangu tự hào kể lại khi ngồi bên đống lửa tại nhà riêng vào một buổi tối.
“Chúng ta phải dạy cho những người trẻ biết về cội nguồn, rằng chúng đến từ đâu, đến từ nền văn hóa nào. Thế hệ trẻ phải tự hào về nền văn hóa của cộng đồng và truyền lại điều này cho con cháu đời sau. Đó là điều chúng tôi phải làm”, bà nói thêm.
Tộc người Ndebele của Nam Phi, một trong một số nhóm dân tộc với 60 triệu dân của đất nước, phần lớn sống ở các vùng đông bắc của Nam Phi và được biết đến với những bộ trang phục độc đáo. Nước láng giềng Zimbabwe cũng từng có một nhóm người Ndebele riêng biệt đã di cư lên phía bắc vài trăm năm trước.
Bà Mahlangu được biết đến ở Nam Phi như một trong những nghệ sĩ người Ndebele tài năng và thành công nhất. Các thiết kế của bà đã giành được sự chú ý của quốc tế và vào năm 1991, cô được hãng xe BMW ủy quyền trang trí một chiếc xe hơi trong một bộ sưu tập đặc biệt.
Tác phẩm của bà trở nên ngày càng nổi tiếng trên toàn thế giới và vào năm 1997, Hãng Hàng không Anh Quốc đã ủy quyền cho bà thiết kế một trong những chiếc máy bay phản lực Boeing 747 của hãng. Mahlangu đã được trao bằng tiến sĩ danh dự bởi Đại học Johannesburg vào năm 2018.
Sự thành công quốc tế của Mahlangu đã cho phép bà xây dựng một khu phức hợp rộng rãi gồm một số tòa nhà bao gồm phòng trưng bày và nhà khách - tất cả đều được trang trí bằng thiết kế của chính bà, nhằm lưu giữ và truyền bá rộng rãi những nét 'truyền thống' đang ngày càng bị mai một theo thời gian và sự hiện đại hóa.
Tuy hiện tại đã già yếu ở độ tuổi ngoài 80, bà Mahlangu vẫn nhiệt tình hưởng ứng một đoàn thanh niên vũ công người Ndebele đã đến thăm bà gần đây và đã tham gia cùng họ trong một cuộc giao lưu ngắn đầy tình cảm. Và mặc dù Mahlangu không còn vẽ tranh, bà vẫn ủng hộ văn hóa của cộng đồng Ndebele - quê hương nơi bà đã sinh ra và cùng trưởng thành.
“Điều đáng chú ý về công việc của mẹ Esther chắc chắn là màu sắc và cách mà bà ấy có thể đối xứng để làm cho màu sắc trở nên sống động và không làm cho nó giống như... một cuộc tấn công vào thị giác người xem”, Ruzy Rusike, người phụ trách tại Phòng trưng bày Melrose ở Johannesburg, đại diện cho Mahlangu cho biết.
Rusike nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng điều đó đi ngược lại sự hiểu biết về mặt tâm linh của màu sắc khi con người nhìn thấy, cũng như những ý nghĩa của màu sắc đương đại bây giờ”.
Bà Mahlangu đã ghi dấu ấn của mình trên sân khấu nghệ thuật thế giới bởi vì “cùng với thời gian, bà có thể liên tục thay đổi và tái tạo lại bản thân”.