Theo báo cáo của Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR), các mối nguy hiểm về khí hậu đã làm tăng gấp đôi số người phải di dời lên 120 triệu người.
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) được công bố tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan, biến đổi khí hậu đang góp phần thúc đẩy cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng, làm tăng thêm số lượng lớn người đã phải di dời do xung đột.
UNHCR cho biết, 3/4 số người phải di dời cưỡng bức trên thế giới sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi các mối nguy hiểm về khí hậu. Số người chạy trốn khỏi xung đột đã tăng gấp đôi lên hơn 120 triệu người trong thập kỷ qua, 90 triệu người trong số họ ở các quốc gia có nguy cơ cao đến cực cao đối với các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu.
Một nửa số người phải di dời đang ở những địa điểm bị ảnh hưởng bởi cả xung đột và các mối nguy hiểm nghiêm trọng về khí hậu, chẳng hạn như Myanmar, Somalia, Sudan và Syria.
“Đối với những người dễ bị tổn thương nhất thế giới, biến đổi khí hậu là một thực tế khắc nghiệt ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của họ. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang thúc đẩy tình trạng di dời ở những khu vực vốn đã có rất nhiều người dân phải di dời do xung đột và bất ổn, làm trầm trọng thêm hoàn cảnh khốn khổ của họ và khiến họ không còn nơi nào an toàn để đi” - Cao ủy LHQ về Người tị nạn Filippo Grandi cho biết.
Khoảng 700.000 người đã buộc phải chạy trốn khỏi chiến tranh ở Sudan bằng cách vượt biên sang nước láng giềng Chad. Quốc gia này đã tiếp nhận người tị nạn trong nhiều năm, nhưng lại phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến đổi khí hậu. Báo cáo cho biết, những người ở lại Sudan có nguy cơ phải di dời thêm do lũ lụt nghiêm trọng.
“Trong khu vực của chúng tôi - nơi rất nhiều người dân phải di dời trong nhiều năm - tác động của biến đổi khí hậu được nhìn thấy rõ. Tôi hy vọng tiếng nói của những người dân trong báo cáo này sẽ giúp những người ra quyết định hiểu rằng, nếu không được giải quyết, tình trạng di dời cưỡng bức và tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu họ lắng nghe chúng tôi, chúng tôi cũng có thể trở thành một phần của giải pháp” – ông Grace Dorong, một nhà hoạt động vì khí hậu và là cựu người tị nạn sống ở Nam Sudan cho biết.