Với mong muốn mang đến những góc nhìn mới về các tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Nhà hát Kịch Việt Nam vừa chính thức đưa vào kịch mục của đơn vị vở diễn “Người tốt nhà số 5”.
Vở diễn “Người tốt nhà số 5” của cố tác giả Lưu Quang Vũ do NSƯT Tạ Tuấn Minh làm đạo diễn. Đây cũng là bài thi tốt nghiệp xuất sắc của NSƯT Tạ Tuấn Minh tại lớp Đạo diễn và đã được Nhà hát Kịch Việt Nam đưa vào kịch mục của đơn vị. “Người tốt nhà số 5” không phải là kịch bản xuất sắc của nhà viết kịch tài ba đã trở thành huyền thoại trong lịch sử kịch nói Việt Nam, nhưng vẫn còn sức lay động tâm hồn người xem, bởi vượt qua câu chuyện kịch về một khu tập thể cũ thời bao cấp, ẩn sau mỗi câu thoại, mỗi hành động kịch luôn hàm chứa ý tứ sâu hơn, điều mà nhiều nhà viết kịch đương thời còn chưa làm được.
Cốt truyện của vở kịch kể về Hiệp, một thanh niên tốt bụng, thẳng thắn, luôn đấu tranh với những tệ nạn sai trái trong mọi hoạt động xã hội. Anh không chấp nhận trả tiền “trà nước” cho đội sửa chữa nhà vì đó vốn là nhiệm vụ của họ, không đồng ý đưa tiền cho “nhà điện” để khu tập thể bớt được giờ điện phải cắt vì thế là việc làm sai. Anh cương quyết nói ra sự thật để đánh giá khoa học phản biện về công trình của người bạn cho mình chỗ ở, chăm sóc mình trong cuộc sống đời thường.
Mọi người trong khu tập thể coi anh là kẻ hâm dở, khác đời, ngáng chân người khác, dù biết, anh là người tốt. Anh vẫn cương quyết giữ cách làm người đàng hoàng vì tin chắc, mình làm thế là đúng. Nhưng khi mẹ người yêu ốm nặng, cần một loại thuốc đặc trị chỉ có ở “chợ đen”, anh buộc phải mượn tiền Khôi để mua ống thuốc đó. Đau lòng thay, ống thuốc đó chính là thuốc mà người bệnh nặng vốn là người nhà bác sĩ cũng rất cần, đã đặt hàng từ lâu, tuy nhiên, vì được giá cao nên đã có bác sĩ lén lút đưa ra chợ đen để bán. May mắn của người này, là bất hạnh của người khác, cứ tốt theo cách ngang bướng đó, anh sẽ làm dột nát nhà hàng xóm.
Cái tốt dường như chỉ tốt của một mình anh chưa thể đủ, nếu không muốn nói là xé rách đi không gian cần thiết cho người khác sống “bình thường”. Anh bàng hoàng với nhận thức này, không chấp nhận nổi sự thật đó nên bỏ đi... Song song với đó là những câu chuyện đời của những cặp đôi khác, làm phong phú thêm cho cốt truyện về nhận định như thế nào là người tốt, sự thật và sự dối trá, đằng sau mỗi câu chuyện luôn có những cách nhìn khác.
Đạo diễn Tạ Tuấn Minh dựng kịch bản này với những cảm thức về sự sâu sắc của mỗi câu thoại. Anh tận dụng thủ pháp ước lệ của sân khấu để đưa lên sàn diễn những khung cửa với nhằng nhịt dây đan, màng bọc trong suốt, di động linh hoạt để diễn tả mỗi căn hộ, mỗi cảnh đời. Nhân vật tiếp xúc với nhau phải vượt qua những mớ trói buộc đó.
Mỗi gia đình “lên sàn” đều có những gợi ý về ánh sáng, về sự chuyển động. Sự giả dối trong tình cảm cặp vợ chồng kỹ sư nông nghiệp, nằm bên nhau mà như cách xa vạn dặm “đồng sàng dị mộng”, không thể đến được với nhau bởi chị vợ luôn phải nín nhịn, anh chồng luôn băn khoăn mình có làm gì sai với vợ đâu. Lúc này, những chiếc khung lại như cảnh chiếc giường của họ với góc nhìn trực diện. Hay tiếng đánh máy chữ nặng nhọc, rất thật, rất tả thực của cặp vợ chồng mà cô vợ luôn không nhận ra hạnh phúc ngay bên mình, anh chồng lại kìm nén mà để vợ mình được theo đuổi những mộng tưởng.
Rồi chiếc cầu thang khuất lấp, để cặp mẹ con bà Ngoạn ra sàn, công kích, chỉ trích đối với người khác... cùng chiếc ban công di động khắp chiều ngang sân khấu. Chỉ có thế, vậy mà sân khấu trở nên linh hoạt, sống động, tận dụng được mỗi tấc của sàn diễn và thực sự bung ra khi những cặp đôi đều không thể che giấu mãi cảm xúc của mình, nhận biết những dối trá trần trụi đằng sau chiếc áo khoác của sự thật.
Vở diễn sau khi chính thức công diễn đã thu hút được công chúng dù câu chuyện vẫn là những chi tiết của những tháng năm vất vả gian khó khi xưa như nghề sắp chữ ở nhà in đã là chuyện quá khứ, công việc đánh máy chữ... nhưng những thông điệp sâu sắc sau đó vẫn được thế hệ trẻ cảm nhận đầy đủ.
Đặc biệt, vở diễn với sự tham gia của dàn diễn viên trẻ như Thế Nguyên (Hiệp), Thu Thuận (Mây) Vi Nam (Khôi)... và các nghệ sĩ vững nghề như Dũng Nam (Bình) Quỳnh Hoa (Yến), Việt Thắng (ông Kỉnh)... đã hoàn thành xuất sắc vai diễn với lối diễn mềm mại, đời thường cho một vở chính kịch. Tuy nhiên, chỉ có tiếc đôi lúc có nét diễn chưa tiết chế tốt của Thanh Hường (bà Ngoạn) hay khi đổi trạng thái từ uất ức, mất mát sâu sắc của người vợ rồi nhanh chóng tươi nét mặt... vẫn cần có chút điều chỉnh ở âm giọng, sắc mặt. Sự tinh tế của vai diễn rất cần những sử lý thật hợp lý chỉ cần quá lên đôi chút là sẽ có tiếc nuối...
Hi vọng vở diễn sẽ nhanh chóng được đưa vào khai thác thành công với chất lượng rất tốt và cũng là bước ghi dấu ấn của NSƯT Tạ Tuấn Minh trong vai trò một đạo diễn có nhiều suy tư về nghề, có những sáng tạo trong xử lý không gian thời gian sân khấu.