Thời gian qua, nhiều người trẻ thuộc thế hệ gen Z, gen Alpha đã quảng bá, giới thiệu nghệ thuật truyền thống bằng những cách làm mới.
Nghệ thuật truyền thống muốn tồn tại thì phải có khán giả. Thế hệ trẻ yêu văn hóa và muốn lan tỏa văn hóa truyền thống, đó là điều đáng quý và nhận được sự khích lệ, ủng hộ, đồng hành; cho dù có thể kết quả của họ chưa được như mong muốn.
Người trẻ và làn gió mới
Tối 7/5, ở Nhà hát chèo Việt Nam có rất nhiều người trẻ. Bất chấp trời Hà Nội mưa to, họ vẫn có mặt để thưởng thức Chèo. Khán phòng nhà hát gần như kín chỗ. Người xem thích thú với các trích đoạn Xã trưởng - mẹ Đốp trong vở Quan âm Thị Kính; Hề dẹp đám - Thi nhịp - Vỡ nước (do các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn). Nhưng còn “lạ” hơn khi chính họ đưa rap vào “hề chèo” và đặt lời mới cho đoạn hề mồi thắt lưng xanh.
NSND Lê Tuấn Cường - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam nói rằng: “Đã lâu lắm rồi mới vui như hôm nay”. Sự có mặt của nhiều khán giả trẻ tại không gian Nhà hát mang đến một không khí trẻ trung, sống động khác với thường ngày.
Cũng ở Hà Nội, trong tháng 5, một nhóm bạn trẻ gen Z khác đã thổi làn gió mới với sự kiện Dạ Lan Canh: kết hợp biểu diễn hát quan họ với talkshow giải mã lối hát Canh quan họ cổ Bắc Ninh.
Ra đời từ năm 2016, giai đoạn đầu Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) đã đồng hành cùng các bạn trẻ với nhiều vai trò khác nhau. Các thành viên chủ chốt của trung tâm cũng đều là các bạn trẻ gen Z. Nếu không có sự nhập cuộc của VICH, có lẽ đã không có các sự kiện di sản trong lòng phố, nhất là việc mang hát Xẩm trở lại phố cổ Hà Nội. 60 phút với xẩm đàn - xẩm kể - xẩm ca, có thể là dài, hoặc ngắn, nhưng đã mang tới hiệu ứng tích cực.
Sự đóng góp của VICH cần được nhân rộng hơn vì nó tạo được một sân chơi lý thú cho giới trẻ, vừa để họ hiểu nghệ thuật truyền thống hơn, yêu nghệ thuật truyền thống hơn và quan trọng nhất là chính mình sáng tạo, tái tạo để văn hóa truyền thống không bị đứt quãng mà luôn có “truyền nhân”.
Trong những hoạt động của VICH, hẳn nhiều người còn nhớ chương trình Canh quan họ đầu năm 2023, hoặc nghe câu chuyện thời đại qua chiếu xẩm trong sự kiện Tết show - Xẩm Tonkin khai xuân 2024. Cách đấy chưa lâu, VICH còn tham gia May show 1 và show 2 tổ chức tại Ninh Bình, với chủ đề “Dệt chút vấn vương”, lấy cảm hứng từ các làng nghề truyền thống tại Ninh Bình.
Trong các sự kiện, việc tham gia của gen Z, gen Alpha đã khiến cho không gian nghệ thuật truyền thống trở nên tươi tắn. Qua đó có thể thấy, không hẳn người trẻ quay lưng với nghệ thuật truyền thống mà họ thiếu sân chơi, thiếu người đỡ đầu, ủng hộ. Họ có sẵn tình yêu, sự đam mê, những ý tưởng mới mẻ nhưng nếu không được chắp cánh thì tất cả những điều quý giá ấy sẽ nguội lạnh dần.
NSND Lê Tuấn Cường cho rằng, việc người trẻ tiếp cận, tiếp thu và chuyển tải văn hóa - nghệ thuật truyền thống là rất đáng trân trọng. Họ còn có lợi thế khi giới thiệu nghệ thuật truyền thống của dân tộc ra thế giới bằng cách làm sáng tạo của tuổi trẻ.
Tuy nhiên, người trẻ trực tiếp đóng góp vào nghệ thuật truyền thống cũng còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Đinh Thảo - Phó Giám đốc VICH, một trong những khó khăn là những nghệ nhân lĩnh vực văn hóa truyền thống đã mất nhiều, người trẻ khó có cơ hội tiếp cận nghệ thuật gốc để từ đó mà phát triển.
“Xuyên không” tìm về nguồn cội
Còn nhớ, cách đây 20 năm, vào năm 2004, ca khúc “Bonjour Vietnam” do nhạc sĩ người Pháp Macrc Lavoine viết nhạc và Lavoine - Yvan Coriat viết lời ra đời. Năm 2006, cô gái trẻ người Bỉ gốc Việt Phạm Quỳnh Anh (sinh năm 1987) là người đầu tiên hát. Bài hát đã trở thành hiện tượng ở Việt Nam suốt từ đó tới nay, được nhiều ca sĩ trẻ trong nước thể hiện trên những sân khấu lớn.
Tháng 11/2008, ca sĩ Quỳnh Anh có chuyến về thăm quê hương để lần đầu tiên được hát trên đất Mẹ, trong sự chào đón của những người hâm mộ cô tại quê nhà. Tiếng hát của cô gái gốc Việt sống bên trời Âu xa xôi khiến nhiều người rưng rưng nước mắt.
Có thể nói, việc người trẻ đến với văn hóa truyền thống để cùng sáng tạo, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới là rất đáng trân trọng.
Không thể kể hết những nỗ lực bền bỉ của họ và cũng không thể không kể đến những gương mặt tiêu biểu, như: ca sĩ Đào Tố Loan đoạt giải Ba bảng Chuyên nghiệp của cuộc thi Âm nhạc quốc tế MAP tại Mỹ. Tác phẩm “Nắng có còn xuân” của Dàn hợp xướng Saigon Choir trở thành đại diện Việt Nam đầu tiên nhận Bằng chứng nhận cấp độ Excellent bảng thi Video clip A cappella tại World Choir Games 2021, Bỉ.
Hay như Vietnam Centre - một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận do các du học sinh Việt Nam tại Australia thành lập năm 2017 với hơn 100 thành viên thường trực, chỉ sau 5 năm đã tổ chức hơn 90 hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam trên phạm vi thế giới.
Kể câu chuyện Việt Nam bằng ngôn ngữ người trẻ, đó là cách “xuyên không” tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc, thật đáng trân trọng.
Generation Z (Gen Z) là những người sinh từ năm 1995 đến năm 2012 (có người nói từ năm 1997 đến năm 2015). Quãng tuổi được công nhận rộng rãi nhất là những năm sinh 1997-2012. Gen Alpha là thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ tiếp theo sau Gen Z, được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2025. Trong khi Gen Z thường gắn liền với internet và mạng xã hội, thì Gen Alpha trở thành thế hệ đầu tiên lớn lên hoàn toàn trong thế giới của thời đại kỹ thuật số. Và hôm nay, nhiều bạn Gen Z, Gen Alpha đang học hỏi, tiếp thu những điều mới tích cực để tiếp tục bồi đắp và lan tỏa văn hóa truyền thống của Việt Nam.