Đợt mưa kéo dài liên tiếp trong 4 - 5 ngày vừa qua ở các tỉnh, thành phía Nam khiến hàng trăm hộ dân trồng hoa, hoa màu, trái cây cho vụ tết cuối năm gặp khó, thậm chí có thể thất thu. Trong đó những nông dân trồng hoa kiểng bị tác động nặng nề hơn cả.
Anh Nguyễn Văn Khoa (48 tuổi) - chủ nhà vườn trồng hoa cây kiểng ở xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, đợt mưa năm nay kéo dài và lớn hơn mọi năm rất nhiều, ảnh hưởng đáng kể tới hoa cây kiểng.
“Nhà tôi có hơn 600 giỏ cúc mâm xôi cùng gần một nghìn chậu vạn thọ, cát tường với mào gà. Hầu hết các loại hoa này đang trong giai đoạn phát triển nên mưa nhiều sẽ gặp bất lợi lớn. Tôi phải bỏ thêm chi phí để mua bạt ni-lông bảo vệ cây. Ngoài việc dập nát đọt, nụ của hoa thì mưa nhiều cũng có thể gây ra một số loại bệnh” - anh Khoa cho biết.
Theo anh Khoa, lo ngại nhất là cúc mâm xôi vì giá trị kinh tế cao và thời điểm cúc đang bắt đầu đơm nụ. Nếu gặp mưa rất dễ bị ố màu, thâm đen ở bông, dẫn đến cúc không còn vàng rực thời điểm tết mà sẽ bị những chấm đen ở giữa bông. Tình trạng này thi thoảng người trồng cúc mâm xôi cũng gặp phải những năm trước nếu cây gặp mưa nhiều đúng thời điểm ra bông.
Tuy nhiên, điều lo lắng của một số nông dân là mưa nhiều kèm thời tiết lạnh có thể ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, ra bông đúng ngày của cây. Hầu hết các cây hoa kiểng đều được tính toán để nở đúng dịp tết nên việc chậm vài ngày sẽ ảnh hưởng lớn tới giá trị hoa cây kiểng.
Cúc mâm xôi là loài hoa đặc trưng dịp tết ở phía Nam và được nhiều nông dân ở Chợ Lách trồng. Ít ngày trước, hàng nghìn chậu cúc mâm xôi ở đây đã phải nhổ bỏ vì chậm ra bông so với dự tính đã ảnh hưởng tới nhiều hộ dân. Dự báo, mưa lớn những ngày qua tiếp tục có tác động tiêu cực tới những hộ trồng cúc mâm xôi.
Ông Trần Hữu Nghị - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, đợt mưa vừa qua ảnh hưởng nhiều đến hoa kiểng. Trong đó lo ngại nhất là hoa cúc mắc bệnh thán thư... Theo nhận định của ông Nghị, dịp Tết Nguyên đán năm 2025, hoa cúc của nông dân Chợ Lách có thể không ra bông kịp để bán ở các thị trường có thời tiết lạnh như Hà Nội mà chỉ kịp bán ở các tỉnh phía Nam (thời tiết thường nắng nóng cuối năm).
Không chỉ có nông dân ở Bến Tre gặp khó vì mưa, nhiều nông dân trồng hoa kiểng ở các tỉnh Tiền Giang, Long An cũng đối mặt với tình trạng tương tự.
Ông Nguyễn Hữu Bé - chủ vựa hoa cúc chân dài ở xã Tân Mỹ Chánh (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết đã rất lo lắng vì mưa liên tục mấy ngày qua. “Thời gian này đang lúc tuốt lá để cúc lên thân. Mưa nhiều làm ngọn cây bị dập nát nên mình phải đầu tư thêm bạt che. Ngoài ra, úng nước cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Cúc là loại cây rất đặc biệt. Trời nắng nhưng tưới nước thì phát triển rất tốt. Còn trời mưa và lạnh như mấy ngày nay thì cây chậm lên. Có lẽ năm nay cúc không dài như mọi năm” - ông Bé nói và cho biết, cúc chân dài có giá trị kinh tế tùy theo chiều cao của cây. Cây càng cao thì càng được khách hàng ưa chuộng. Những dịp tết Nguyên đán hàng năm, các chậu cúc chân dài (từ 1,2 - 1,6m) được bán với giá hàng chục triệu đồng/cặp. Tuy nhiên, kỹ thuật chăm sóc và trồng cúc chân dài cũng khá tốn kém, liên tục phải cắt tỉa cành lá những tháng gần tết để cho thân cây vươn lên.
Trồng hoa bán dịp Tết Nguyên đán là nghề truyền thốn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, tập trung nhiều ở các địa phương như: TP Mỹ Tho (Tiền Giang) huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre). Mỗi năm, 2 địa phương này sản xuất khoảng hơn 10 triệu sản phẩm hoa Tết các loại để phục vụ thị trường, chủ yếu là ở TPHCM.