Mấy năm gần đây ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông (Đắk Lắk), một số loại cây nông sản tuy đầu tư nhiều nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên cuộc sống của nông dân gặp không ít khó khăn.
Diện tích khoai môn sáp của gia đình Ama Hậu.
Là Bí thư chi bộ, kiêm trưởng buôn Tơng Rang có tiếng là năng động, dám nghĩ, dám làm, Y Riếu Ê Ban (Ama Hậu) ở buôn Tơng Rang (xã Cư Đrăm) đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng vừa đầu tư chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi, vừa mạnh dạn chuyển đổi một số loại cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả.
Mùa này, Ama Hậu thuê thêm 3 ha đất với giá gần 20 triệu đồng/1 vụ cùng với hơn 1 ha đất trồng ngô của gia đình để chuyển đổi trồng cây môn sáp. Do được đi học hỏi kinh nghiệm, làm đúng kỹ thuật nên hiện nay cây môn sáp trồng được hơn 1 tháng đang phát triển rất tốt. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay thì khoảng 5 tháng nữa, hơn 4 ha môn sáp sẽ cho thu hoạch với dự tính gần 40 tấn/ha (Theo giá hiện tại thấp nhất là 10 ngàn đồng/1 kg).
Ama Hậu cho biết: “Đầu tư ban đầu cho hơn 4 ha cây môn sáp khoảng gần 200 triệu đồng mua giống và phân (25 ngàn đồng/1kg giống). Do gia đình có máy, chủ động được khâu làm đất và có phân bò nên đã giảm được một phần chi phí, nâng cao thu nhập”.
Vừa qua, Ama Hậu lại đi học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trồng cây chanh dây ở tỉnh Lâm Đồng. Thấy phù hợp với chất đất, thời tiết, ông tiếp tục phá bỏ 2 ha đất dốc trồng cây điều lâu năm, năng suất thấp để đầu tư trồng cây chanh dây. Ama Hậu đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng thuê máy san ủi đất, mua cây làm giàn và mua hơn 800 cây giống để trồng.
“Qua tìm hiểu thực tế ở Lâm Đồng, hiệu quả cây chanh dây đem lại rất lớn. Trong buôn có số lượng lớn diện tích được bà con trồng các loại cây kém hiệu quả, nhưng chưa có ai chuyển đổi vì thiếu vốn, thiếu kiến thức và chưa mạnh dạn. Mình là người tiên phong chuyển đổi. Nếu đem lại hiệu quả kinh tế sẽ xem đây là mô hình mẫu, nhân rộng để bà con học tập làm theo” - Ama Hậu cho biết.
Số tiền lợi nhuận từ thu hoạch nông sản, chăn nuôi hàng năm, Ama Hậu tiếp tục đầu tư chăm sóc 2 ha cà phê; gia cố bờ bao, thả hàng ngàn con cá giống cho 2 ao cá gần 600 m2; trồng thêm gần 1 ha cỏ voi để phát triển đàn trâu, bò. Hiện nay Ama Hậu đã có 22 con bò và 2 con trâu. Vừa qua ông đã cho 4 gia đình khó khăn trong buôn mượn nuôi 4 con bò, tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.