Nếu những người tự kỷ được xếp hạng, xếp nhóm khuyết tật thì họ sẽ được phân loại, giúp đỡ hiệu quả.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Nhân ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ (2/4), hôm nay, ngày 1/4, Mạng lưới những người tự kỷ Việt Nam (VAN) tổ chức hội thảo về “Tự kỷ ở Việt Nam, hiện trạng và thách thức” trong sự bảo trợ của Bộ Lao động và Thương binh và Xã hôi, Mạng lưới người tự kỷ ASEAN (AAN) và Tổ chức Khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương (APCD)...
Theo phát biểu của bà Hoàng Ngọc Bích, Chủ tịch VAN tại hội thảo, trước đây, tỷ lệ người tự kỷ trên thế giới chỉ là 1/1.000 thì nay ở Mỹ, tỷ lệ này đã dâng lên đến 1/68, châu Phi là 1/37 và ở Việt Nam hiện đang có hơn 200.000 người tự kỷ trong số gần 90 triệu dân số và con số này vẫn đang tăng lên hàng ngày với tốc độ rất nhanh.
Những con số được xướng lên khiến các đại biểu không khỏi giật mình. Hiện cộng đồng người tự kỷ đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống mà lớn nhất là làm sao để cho họ có thể được tôn trọng và hoà nhập trong xã hội.
“Tất cả chúng ta cần chung tay để nâng cao nhận thức cho mọi người để tạo ra nhận thức và hiểu biết đúng đắn hơn về những người tự kỷ”. Đó là mong muốn của Phó tổng thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng văn hoá xã hội Vongthep Arthakaivalvatee.
Luật Người Khuyết tật được Quốc hội thông qua từ năm 2011, và Việt Nam là một trong những nước tham gia rất sớm Công ước của Liên hợp quốc về người khuyết tật.
Tuy nhiên, những người tự kỷ Việt Nam chưa được xếp vào nhóm khuyết tật nào cụ thể. Đã có nhiều cuộc hội thảo về luật pháp, tuy nhiên, chưa có văn bản nào quy định họ được hưởng chế độ ưu tiên về BHXH cũng như BHYT như ở Nhật Bản chẳng hạn, người tự kỷ được hỗ trợ từ nhỏ đến lớn.
Ths Thành Ngọc Minh đến từ BV Nhi Trung ương cho rằng điều này rất quan trọng. Nếu họ được xếp hạng, xếp nhóm khuyết tật thì họ sẽ được phân loại, giúp đỡ hiệu quả. Từ đó, các cấp y tế cũng như chính quyền có thể có những chính sách cũng như các đề xuất giải pháp giúp đỡ người tự kỷ.
Trong khi chưa sửa được Luật Người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm gợi ý: Chúng ta có thể sửa nghị định mà trong đó chi tiết hoá về đánh giá, xếp hạng, phân loại cũng như lập đề án phát triển giúp đỡ họ nâng cao năng lực trong cộng đồng và gia đình. Gợi ý này được các đại biểu tán thành nhiệt liệt.
Đến từ Viện Khoa học giáo dục, PGS.TS Phạm Minh Mục đóng góp ý kiến các nhà nghiên cứu phải làm rõ hơn thế nào là trẻ tự kỷ. Có thể là có vấn đề cần làm rõ hơn về hành vi, về ảnh hưởng của môi trường khiến cho trẻ tự kỷ có những “phổ” rất khác nhau. Làm thế nào để đánh giá được mức độ rối loạn này của các em để có những hỗ trợ thích hợp?
Để thực hiện được giáo dục hoà nhập hiệu quả, ông Mục thừa nhận, còn rất ít những người thầy có đủ chuyên môn để thực hiện chương trình. Chủ yếu, gánh nặng này dồn lên vai người giáo viên chủ nhiệm các lớp có trẻ tự kỷ.
Vậy làm thế nào để trẻ tự kỷ có thể được chăm sóc và học tập tốt hơn? Từ ghế chủ toạ cuộc toạ đàm, bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch danh dự của VAN cho rằng hy vọng sắp tới cần có sự điều chỉnh Nghị định 37 cũng như có sự phối hợp tốt hơn giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ.