Sau khi dư luận lên tiếng về việc bia Quốc Học trùng tu không đúng nguyên gốc, như màu sơn vàng rực, chi tiết hoa văn, ô hộc bị đục bỏ, làm lại không đúng nguyên bản…, chiều ngày 11/1, phóng viên Đại Đoàn Kết trao đổi với kỹ sư Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc phân viện khoa học xây dựng miền Trung- đơn vị tư vấn thiết kế, trùng tu Bia Quốc Học.
Bia Quốc Học-Huế đang trùng tu.
Ông Quảng cho biết: Mặc dù không phải là di tích nhưng do nó có giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo (đồ án của họa sĩ Tôn Thất Sa) nên từ tư vấn thiết kế đến tổ chức thi công chúng tôi ứng xử với bia Quốc Học như một di tích.
Được xây dựng từ năm 1920, trải qua gần 100 năm dãi nắng dầm mưa nên bia Quốc Học không chỉ hư hỏng về kết cấu mà họa tiết, gạch trang trí công trình cũng bị hư hại nặng. Riêng phần mái không còn nguyên vẹn. Để trùng tu công trình này chúng tôi đã bóc, tách rồi đối chiếu tư liệu. Riêng về trang trí ở bờ nóc, bờ quyết hay sành sứ đắp nổi ở công trình, chúng tôi đắp, gắn những họa tiết đã bị hư hỏng.
Còn lại đều giữ nguyên, không làm biến dạng. Ví như về hệ thống con giống (Rồng, Lân, vân mây ..) hay họa tiết đắp nổi, chúng tôi giữ lại phần cốt, phần nào hư hỏng thì phục hồi. Còn về màu sắc,màu thế nào thì chúng tôi giữ như thế, đúng như tư liệu hiện trạng và nghiên cứu của cố họa sĩ Phạm Đăng Trí về màu ngũ sắc của Huế: đỏ chu, vàng đất, tím, xanh lục và xanh lam. Riêng về tông màu, thú thật chúng tôi chưa khẳng định chính xác là vàng đậm hay nhạt.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Huế Huỳnh Cư khẳng định: Bia xuống cấp, chúng tôi tổ chức trùng tu; nếu xấu, không đúng dư luận góp ý, phê phán chúng tôi xin tiếp thu.