Người Việt ở Hàn Quốc là cộng đồng có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, do ngày càng nhiều người Việt định cư tại “xứ sở kim chi”. Kiều bào Hàn Quốc không những đóng góp về kinh tế, mà còn tích cực quảng bá văn hóa, xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trao đổi với PV Tinh hoa Việt về những hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Trần Hải Linh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Người Việt Nam ở đâu cũng hướng về Tổ quốc. Khi có chính sách hợp lý, nguồn lực kiều bào sẽ được phát huy tối đa.
Ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam trong chuyến thăm Quần đảo Trường Sa năm 2016.
PV:Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc năm nay thu hút khoảng 15.000 người tham gia. Đây đã là sự kiện văn hóa quan trọng của người Việt tại Hàn Quốc cũng như trong thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc. Ông có thể chia sẻ về sự phát triển mối quan hệ này?
- Ông Trần Hải Linh: Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức vào dịp Quốc khánh hàng năm. Năm nay Lễ hội diễn ra với nhiều chương trình hấp dẫn. Tại lễ hội, bà con kiều bào còn được thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị quê hương tại 20 gian hàng ẩm thực ba miền...
Có được sự phát triển như ngày hôm nay là cả một quá trình. Lần đầu tiên, Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức vào năm 2011 tại Trung tâm Nghệ thuật Đại học Sookmyung. Từ đó đến nay, Lễ hội được duy trì thường niên với quy mô ngày một lớn hơn. Số lượng người tham gia lễ hội năm nay được coi là một kỷ lục. Lễ hội đã quảng bá những nét đẹp về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế và người dân Hàn Quốc, đồng thời cũng là cầu nối giúp cộng đồng gắn bó và đoàn kết hơn. Trong các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc luôn đóng vai trò quan trọng trong khâu tổ chức, từ thiết kế chương trình, đến việc mời các đối tác tham gia. Ngoài sự kiện Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức liên tục trong chín năm qua, Hội cũng đã tham gia tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật quy mô để giới thiệu văn hóa Việt Nam.
Người Hàn Quốc có chương trình “Hàn lưu”, tức làn sóng Hàn Quốc, dùng văn hóa làm “đại sứ” để phát triển các mối quan hệ kinh tế, xã hội khác. Phải chăng cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đang làm điều tương tự?
- Trong bất cứ mối quan hệ với quốc gia nào thì văn hóa và các vấn đề kinh tế, xã hội luôn luôn song hành và có sự hỗ trợ lẫn nhau. Sự hiểu biết về văn hóa giữa nhân dân hai nước sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn trong đầu tư kinh tế. Những năm qua, Hàn Quốc liên tục là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Hiện tại, có khoảng 7.600 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn khoảng 63 tỷ USD. Tôi nghĩ rằng, điều đó cho thấy quan hệ giữa hai nước đang phát triển đều trên nhiều lĩnh vực, gồm cả kinh tế và văn hóa. Trong đó, vai trò của người Việt ở Hàn Quốc giống như một chiếc cầu nối. Một điểm nhấn minh chứng cho điều này là Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức thành công sự kiện “Diễn đàn Kinh tế Kiều bào toàn cầu lần thứ nhất - 2019” tại Hàn Quốc. Chương trình thu hút hơn 200 doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến tham dự. Sự kiện này cũng thu hút hàng trăm doanh nhân Hàn Quốc đến để “hợp tác đầu tư kinh tế, hợp tác khoa học công nghệ - thương mại - du lịch - dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy hàng hóa Việt Nam hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc được xem là một trong những cộng đồng có nhiều hoạt động sôi nổi hướng về quê hương. Ông có thể cho biết những hoạt động tiêu biểu của cộng đồng thể hiện sự gắn kết ấy?
- Ngoài hoạt động văn hóa như tôi vừa trao đổi ở trên, cộng đồng người Việt có rất nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về quê hương, trong đó, luôn chú trọng những vấn đề mà trong nước quan tâm. Chẳng hạn, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đã phát động phong trào “Tương thân tương ái” để động viên và giúp đỡ cho các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn, các trường hợp lao động và du học sinh gặp phải hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đã có một số hoạt động hướng về cội nguồn như phát động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động của cộng đồng, nâng cao vị thế cộng đồng tại nước sở tại.
Một trong những vấn đề mà người Việt Nam trong và ngoài nước luôn luôn quan tâm là vấn đề chủ quyền biển đảo. Cuối tháng 4-2015, tôi vinh dự được đại diện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đi thăm Trường Sa. Cộng đồng và các đảng viên đang công tác tại Hàn Quốc đã đóng góp 4.270 USD và tặng quà tại các đảo với số tiền là 36,9 triệu đồng.
Để thực hiện hóa lòng yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng người Việt sống xa Tổ quốc nói chung, năm 2015, người Việt tại Hàn Quốc chính thức sáng lập Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Quỹ có trang web chính thức: http://chuquyenbiendaovietnam.org/ với tôn chỉ xây dựng một quỹ hoạt động để tuyên truyền và huy động trí tuệ, sức lực, vật chất vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Qua chuyến thăm quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK, chúng tôi nhận thấy có thể áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình và những ứng dụng phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc để góp phần nâng cao cải thiện đời sống thực tế của cán bộ chiến sĩ ở đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, trong đó có 3 vấn đề chính chúng tôi rất quan tâm, đó là “Nước ngọt”, “Rau xanh”, và “Điện sinh hoạt”, đặc biệt tại các điểm gặp nhiều vất vả và khó khăn hơn như đảo chìm và nhà giàn, nơi có diện tích nhỏ, hẹp, điều kiện sinh hoạt còn vất vả.
Sau chuyến đi năm 2015, chúng tôi đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc nghiên cứu thành công máy “Chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt”. Đây là thành tựu khoa học công nghệ mới và chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng nghiên cứu các giống rau xanh từ Hàn Quốc chịu mặn, chịu nhiệt, có những đặc tính ưu việt và phương pháp trồng sao cho phù hợp với điều kiện địa lý ở các điểm đảo ở Trường Sa và nhà giàn.
Sang năm 2016, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đã trao 3 máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt ở những nơi có độ ẩm cao trên 70% như đảo chìm Colin, Len Đao và nhà giàn DK1/17, 3 máy phát điện quang năng có hiệu suất cao, các giàn trồng rau thử nghiệm trên các mô hình khác nhau, các giống rau Hàn Quốc có đặc tính ưu việt và các món quà khác. Tổng trị giá các món quà trao tặng năm 2016 là 28.000 USD. Các thiết bị, các giống rau đều đang hoạt động và phát triển khá tốt, góp phần đáp ứng thêm nhu cầu cần thiết cho đời sống sinh hoạt, nâng cao sức kháng lực cho cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyển biển đảo Tổ quốc.
Những năm qua, đóng góp của kiều bào cho sự phát triển đất nước ngày càng to lớn, thể hiện toàn diện qua các mặt: Kiều hối liên tục tăng, kiều bào đầu tư về nước nhiều hơn, nhiều trí thức gốc Việt trở về nước… Công tác kiều bào có vai trò rất lớn của MTTQ Việt Nam.
Ông có thể đánh giá về hoạt động của Mặt trận trong công tác đối ngoại và kiều bào trong 5 năm qua?
- Trong những năm qua, với việc thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân của MTTQ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Với công tác đối ngoại thì UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nỗ lực củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, phát triển chiều sâu, ổn định với các nước láng giềng và các đối tác truyền thống, mở rộng đối tác của MTTQ Việt Nam. Hoạt động đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam đã được các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tham gia ủng hộ một cách tích cực thông qua các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Tuy nhiên yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước đang ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, điều này đòi hỏi UBTƯ MTTQ Việt Nam cần có thêm nhiều chương trình, hoạt động mang tính định hướng chiều sâu, tham mưu cụ thể hơn nữa cho công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân.
Trong những năm gần đây, xu hướng trở về quê hương lập nghiệp của các thế hệ kiều bào, đặc biệt là các kiều bào trẻ ngày càng tăng. Nhiều kiều bào đã thành lập các mạng lưới kết nối cộng đồng doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước để hình thành những chương trình hoạt động hướng về Tổ quốc. Bên cạnh đó, cùng với việc vai trò, vị thế và kinh tế đất nước đi lên thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và MTTQ đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với việc thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước vẫn cần phải quan tâm, rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để kiều bào yên tâm quay trở về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cống hiến tri thức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt chú ý tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc nhập và trở lại quốc tịch.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục cần được MTTQ Việt Nam coi đó là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mặt khác, cần phải tăng cường phát huy vai trò và thế mạnh của mỗi Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là kiều bào ở nước ngoài trong từng chương trình hành động của MTTQ, coi đó là việc làm cần thiết để tăng cường kết nối của MTTQ trong công tác đối ngoại và kiều bào. Tăng cường vai trò của các Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài trong các Hội đồng Tư vấn cũng như Đoàn Chủ tịch để người Việt Nam ở nước ngoài có những ý kiến chia sẻ và đóng góp được nhiều hơn trong hoạt động đối ngoại nhân dân cũng như các hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Ông Trần Hải Linh tham gia diễn đàn Việt Nam – Hàn Quốc.
Đúng vậy, hiện nay Mặt trận đang đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội, bà con kiều bào Hàn Quốc cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt bằng nhiều hoạt động cụ thể. Theo ông, để MTTQ Việt Nam thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của mình, nhất là để hoạt động giám sát và phản biện đi vào chiều sâu, cần có những yếu tố gì?
- Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc này được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam, đồng thời được cụ thể hoá bằng Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các văn bản pháp luật của Nhà nước như Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Thời gian qua công tác giám sát, phản biện đã đạt nhiều kết quả tích cực. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, việc tham gia giám sát và phản biện xã hội hiện nay còn có những hạn chế nhất định đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Để thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động giám sát và phản biện, tôi thấy chúng ta sớm hoàn thiện cơ chế cũng như hành lang pháp lý về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng, tăng cường hoạt động giám sát của nhân dân. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ban ngành, các cơ quan chức năng trước những yêu cầu phản biện của MTTQ Việt Nam, cũng như phải bảo đảm những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận. Từ đó tạo hành lang, cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tốt và có hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đối với hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam.
Cùng với đó, cần thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền về các kết quả, tác dụng, cách làm hay, sáng tạo về giám sát và phản biện xã hội sau từng chương trình hành động. Tuyên truyền và phổ biến thông tin cụ thể đến các vị Ủy viên UB MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư; các vị nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, người uy tín trong các dân tộc thiểu số, chức sắc trong các tôn giáo, kiều bào ở nước ngoài...
Tôi cho rằng, với vai trò của mình, MTTQ Việt Nam cũng cần chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện. Cần phát huy vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam các cấp trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phản biện xã hội hàng năm, lựa chọn nội dung mà nhân dân đang cần giải quyết, các cấp và xã hội đang quan tâm để xây dựng chương trình giám sát và phản biện; bố trí cán bộ Mặt trận là người có đủ năng lực, phẩm chất để làm công tác giám sát và phản biện xã hội, từ đó có thể đưa ra các ý kiến phản biện sắc sảo, sát thực, góp phần tăng đồng thuận xã hội, ổn định và phát triển.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước, nhất là thương mại và kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, theo ông Đảng, Nhà nước cần có chính sách gì để thu hút người tài trở về đóng góp xây dựng quê hương?
- Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng gia tăng trong quá trình hội nhập. Điều này đã và đang tạo điều kiện cho sự giao lưu, chia sẻ và thu hút sự quan tâm của kiều bào đối với sự phát triển đất nước. Kiều bào đã hòa cùng nhịp thở của thời đại, đặt trọng tâm vào những nhu cầu cấp bách của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang trỗi dậy.
Trong xu thế tất yếu của hội nhập và giao lưu quốc tế, kiều bào ở các nước trên thế giới tiếp tục tăng về lượng và chất, đa dạng về thành phần. Thế hệ thứ 2, thứ 3 trong cộng đồng ngày càng tăng và được học tập, đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục ở nước sở tại, có trình độ chuyên môn và tay nghề tốt. Đây chính là nguồn lực quý báu lâu dài có thể góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Để thu hút người tài đóng góp xây dựng quê hương thì chúng ta cần đẩy mạnh việc đề xuất các chính sách liên quan đến việc gắn kết kiều bào với trong nước. Ví dụ như vấn đề nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam; cải thiện môi trường đầu tư cho kiều bào khi quay trở về. Lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đưa nội dung vận động chính quyền các nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của kiều bào vào các cuộc gặp, tiếp xúc, trao đổi song phương và đa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào hội nhập, tăng cường vị thế tại nước sở tại, trong đó chú ý chọn lựa đến các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài, nơi có những nguồn lực kiều bào phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua.
Chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến kiều bào trên cơ sở đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương tiện truyền thông, trong đó sử dụng các kênh mạng xã hội, thúc đẩy phát triển truyền thông qua mạng IPTV (kênh truyền hình của Hàn Quốc trên Internet) hoặc kết hợp chương trình với hệ thống truyền thông của nước sở tại để thu hút kiều bào đối với các thông tin trong nước, xây dựng định hướng thu hút người tài, người có khả năng... Cần tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, mối quan hệ từ các trí thức, doanh nhân để phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước; có đầu mối đủ thẩm quyền để trực tiếp hỗ trợ, kết nối trí thức, doanh nhân; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp trong nước để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu…
Người Việt Nam ở đâu cũng hướng về Tổ quốc. Tôi tin khi có chính sách hợp lý, nguồn lực kiều bào sẽ được phát huy tối đa.
Trân trọng cảm ơn ông!