Người Việt tại Pháp đối phó với Covid-19

Lam Phương 12/04/2020 08:00

Trong số những người Việt đang sống tại Pháp, có khá nhiều người cao tuổi và các du học sinh. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, họ đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đại sứ quán và các Hội đoàn người Việt tại Pháp.

Người lao động hợp pháp và du học sinh cũng đều có bảo hiểm y tế, chưa kể bảo hiểm bổ sung tự nguyện. Ngoài ra, khi vào phải viện, với những trường hợp khó khăn, không có điều kiện thanh toán có thể nhờ sự trợ giúp.

Người Việt tại Pháp đối phó với Covid-19

Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm Covid-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN.

1. Một trong những điểm tựa tinh thần của bà con kiều bào bên này chính là Hội người Việt Nam tại Pháp. Trong những ngày đại dịch phức tạp này, Hội đã tạo ra một hoạt động tương trợ vô cùng ý nghĩa nhằm giúp đỡ những người lớn tuổi trong cộng đồng; kêu gọi các hội viên, các Hội đoàn bạn bè trên toàn nước Pháp cùng chung tay góp sức. Theo đó, những người đăng ký tham gia có thể giúp người lớn tuổi mua các nhu yếu phẩm, hỗ trợ về mặt tinh thần bằng cách gọi điện thoại hoặc gửi email, tạo ra và chia sẻ hoạt động trên mạng (âm nhạc, thể thao, trò chơi…). Hoặc đóng góp để hỗ trợ tài chính cho phần hậu cần của hoạt động.

Theo Hội người Việt Nam tại Pháp, đây sẽ là cơ hội cho những người sống trong cùng một tỉnh, một vùng, có thể liên hệ và giúp đỡ lẫn nhau trong tình hình hiện nay. Hội cũng sẽ cố gắng tìm sự hỗ trợ thông qua các cấp chính quyền địa phương (tòa thị chính, đồn cảnh sát). Hoạt động tương trợ này khiến nhiều người liên tưởng như đang ở quê nhà vậy, những lúc khó khăn, hoạn nạn những đối tượng người cao tuổi, trẻ em, người cơ nhỡ thì luôn có những Hội, đoàn đứng ra giúp đỡ. Được biết, không thể đi làm, hiện gần 6 triệu người ở Pháp đang hưởng chế độ thất nghiệp tạm thời.

Đây cũng là một trong rất nhiều hoạt động khẳng định Uy tín của Hội tiếp tục được nâng cao trong cộng đồng. Trước đó, nhiều người Việt tại Pháp vẫn biết đến Hội với các chương trình, dự án khoa học kỹ thuật, y tế và xã hội không chỉ ở Pháp mà còn hướng về đất nước. Một trong số đó là chương trình Nhịp Cầu Nhân Ái giúp hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam cũng như chia sẻ về tinh thần và vật chất cho chiến sĩ Trường Sa; hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện đến trường...

Tính đến ngày 10/4, nước Pháp đã trải qua hơn 3 tuần áp dụng biện pháp phong tỏa, hạn chế tối đa sự di chuyển và tiếp xúc của người dân, tuy nhiên bệnh dịch vẫn diễn biến rất phức tạp. Chính phủ Pháp đang xem xét sử dụng kỹ thuật “định vị qua điện thoại” để xác định vị trí người nhiễm. Phương pháp tiếp cận chống dịch hiện nay của Pháp là ưu tiên cho những người có nguy cơ lớn, người cao tuổi, nhân viên y tế và cũng không làm xét nghiệm và nhập viện đại trà như một số nước khác. Đối với những người nghi nhiễm, hoặc đã nhiễm virus nhưng sức khỏe đảm bảo thì được khuyến cáo theo dõi và tự cách ly tại nhà, để tránh quá tải cho bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Chưa bao giờ người dân ở Pháp phải ở nhà nhiều ngày liền như vậy trong khi trời nắng đẹp, hoa nở khắp nơi.

2. Tại Pháp hiện có khoảng 6.500 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu. Những ngày này, các bạn thường liên lạc với nhau qua email để trao đổi thông tin về học hành, tình hình dịch bệnh, những hướng dẫn và khuyến nghị chung. “Chúng em không về nước bởi quá trình di chuyển cũng khá nguy hiểm và quan trọng là nếu về thì đồng nghĩa dở dang mọi việc và cơ hội quay lại học tập rất khó. Ở Pháp, nếu chỉ tính tiền học phí và tiền sinh hoạt khoảng 3.000 euro một năm, rẻ nhất trong các nước phát triển. Bên cạnh đó, an sinh xã hội Pháp rất tốt, người thu nhập thấp được hỗ trợ rất nhiều khoản phí. Khả năng xin việc làm và định cư với người nước ngoài cũng rất lớn nên em không muốn bỏ lỡ cơ hội”- Quỳnh Chi, một du học sinh tại Pháp chia sẻ.

Quỳnh Chi cũng cho biết, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp liên tục có các thông báo, cảnh báo và hướng dẫn phòng ngừa, tránh lây lan cho các sinh viên Việt Nam. Tất cả các cuộc họp, hoạt động tập trung đông người đều bị hoãn. Đại sứ quán cũng luôn giữ mối liên kết chặt chẽ với Hội người Việt Nam tại Pháp và Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp để hỗ trợ kịp thời các trường hợp cần giúp đỡ.

Ông Vũ Đoàn Kết, Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam, cho biết các bậc phụ huynh ở Việt Nam không nên quá lo lắng vì thực tế đối với người lao động hợp pháp và du học sinh, việc đăng ký bảo hiểm y tế lại nơi làm việc và trường học là bắt buộc, chưa kể bảo hiểm bổ sung tự nguyện cho những ai có nhu cầu. Hơn nữa, hệ thống an sinh xã hội của Pháp rất tốt. Thậm chí đối với những người nhập cư bất hợp pháp, khi phải vào viện vẫn được điều trị. Trong trường hợp khó khăn, bệnh nhân có thể đề nghị các tổ chức từ thiện hỗ trợ thanh toán.

Đại sứ quán cũng khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Pháp phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn và quy định của chính quyền và cơ quan y tế nước sở tại. Ngoài số điện thoại nóng (01 44 14 64 44) và địa chỉ e-mail (urgent@ambassade-vietnam.fr ), công dân Việt Nam cần đăng ký ngay trên Trang bảo hộ công dân trong dịch Covid-19, để sớm cập nhật các hướng dẫn, các biện pháp và chương trình hỗ trợ mà Đại sứ quán sẽ triển khai.

Được biết, hiện trang bảo hộ công dân đã ghi nhận rất nhiều lượt đăng ký, trong đó sinh viên chiếm khoảng 90%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Việt tại Pháp đối phó với Covid-19