“Cô không thể tưởng tượng được đâu, ở nơi xứ xa, giữa bao người xa lạ, không có hạnh phúc nào bằng bất chợt nghe tiếng nói của đồng hương. Lúc đó mình cảm giác bớt cô đơn giữa biển người xa lạ”- một anh bạn thân sống tại Ucraina thốt lên giữa cuộc điện thoại gọi về chỉ vì khát tiếng Việt, thèm nghe giọng nói của quê nhà.
Cô Vân Anh bền bỉ gieo mầm tiếng Việt tới các sinh viên Ucraina.
Năm tiếng Việt
Để đáp ứng kì vọng của những người con xa quê, được nghe tiếng mẹ đẻ nhiều hơn giữa trời Âu, cộng đồng người Việt tại Ucraina đã quyết định lấy năm 2017 là “Năm tiếng Việt” của người Việt Nam tại Ucraina. Đại sứ Việt Nam tại Ucraina Nguyễn Minh Trí cho biết, rất nhiều biến động chính trị tại Ucraina thời gian vừa qua đã chồng thêm những gánh nặng cho kiều bào ta. Bằng sự đoàn kết, đồng lòng, cộng đồng người Việt đã trụ vững nơi xứ người. Để tăng cường tính kết nối, tinh thần đoàn kết gắn kết cộng đồng người Việt cũng như quảng bá hình ảnh người Việt Nam ra thế giới, tiếng Việt cần sống mạnh mẽ hơn nữa giữa trời Âu. Chính vì vậy, cộng đồng người Việt tại đây đã quyết định năm 2017 là Năm tiếng Việt.
Tất nhiên không phải chờ đến năm 2017 tiếng Việt mới được đẩy mạnh tại Ucraina. Những năm qua, các thầy, cô người Việt đã kiên trì, bền bỉ, mở trường, mở lớp để truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ thứ 2, thứ 3 không sinh ra tại Việt Nam. Tại trường Đại học Tổng hợp Shevchenko- một trong những trường Đại học danh giá nhất của Ucraina, từ năm 2012, bộ môn tiếng Việt được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Cô giáo Hà Thị Vân Anh cho biết, học tiếng Việt không chỉ có các thế hệ người Việt mà các bạn Ucraina, với tình yêu Việt Nam họ đã tìm đến khoa Ngôn ngữ phương Đông để học tiếng Việt.
Cô Vân Anh chia sẻ: “Để hội nhập với thế giới thì việc quảng bá văn hóa hình ảnh bằng các phương tiện thông tin đại chúng mang giá trị Việt ra khắp năm châu vẫn chưa đủ mà chúng ta cần phải đưa tiếng Việt ra khắp thế giới. Chỉ có thông qua con đường ngôn ngữ cụ thể là truyền bá ngôn ngữ thì mới đưa được thế giới đến gần chúng ta hơn và ngược lại”. Nói về những khó khăn trong việc truyền dạy tiếng Việt, cô Vân Anh cho biết, khó khăn lớn nhất là ngữ pháp Việt Nam. Để khắc phục những khó khăn này, chúng tôi phải tìm những tài liệu, sách tham khảo tiếng Nga hoặc tiếng Ucraina dịch ra tiếng Việt để học sinh dễ hiểu. Thậm chí, các thầy cô còn tự biên soạn giáo trình cho phù hợp với tiếng mẹ đẻ của học sinh và viết sách về ngữ pháp tiếng Việt căn bản dành cho những người bắt đầu học tiếng Việt sao cho dễ hiểu nhất để học sinh dễ tiếp cận nhất.
Tiếng Việt không chỉ đến với các thế hệ người Việt và bạn bè Ucraina thông qua hệ thống nhà trường mà những Trung tâm Việt Nam học ở Ucraina đã lần lượt ra đời. Từ cuối năm 2015 Trung tâm Việt Nam học - Kiev - Ucraine đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động với mục đích thu hút sự quan tâm đến việc học ngoại ngữ tiếng Việt của các em học sinh tốt nghiệp phổ thông, chuẩn bị bước vào đại học, có mong muốn nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông.
Đây là một bước đột phá, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo phát triển bền vững và hiệu quả. Nhà văn- dịch giả Vũ Tuấn Hoàng, người trực tiếp dạy tiếng Việt cho các sinh viên cho biết, đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài là niềm mơ ước của rất nhiều nhà văn Việt Nam. Việc độc giả nước ngoài tìm đến, đọc văn học Việt Nam là một việc khó nhưng không có nghĩa là không làm nổi.
Theo nhà văn Tuấn Hoàng, đưa văn học Việt Nam ra thế giới, điều này chỉ có thể thành công với sự cộng tác của các em sinh viên có vốn tiếng Việt khá tốt. Ngoài ra, hai dự án sách song ngữ mà Trung tâm Việt Nam học đang thực hiện sẽ được dùng làm giáo trình học tiếng cho các em học sinh và sinh viên của cả cộng đồng người Việt vừa để tham khảo và tự học nâng cao trình độ ngôn ngữ của mình.
Không quên nguồn cội
Truyền dạy tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt nơi xứ xa là việc làm được cộng đồng người Việt tại Ucraina đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Như Mạnh, Chủ tịch Hội người Việt Nam thành phố Odessa cho biết, người Việt dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu cũng luôn hướng về nguồn cội. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, bà con không có dịp trở về quê hương đều không quên nguồn cội bằng các việc làm cụ thể.
Mỗi gia đình người Việt ở Ucraina đều có bàn thờ thờ cúng tổ tiên. Các thế hệ người Việt lại sum họp bên nhau cùng gói bánh chưng, cùng ăn tất niên và đến chùa cầu an. Cũng vào dịp xuân mới, cộng đồng người Việt tại đây sẽ tổ chức các buổi gặp mặt ấm áp để những người con xa quê được đắm mình trong không khí ấm áp của tình quê.
Không chỉ trụ vững nơi xứ người, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, người Việt Nam tại Ucraina luôn hưởng ứng những lời kêu gọi từ trong nước cho các phong trào ủng hộ nạn nhân bão lụt, nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ các chiến sĩ đảo Trường Sa... Theo ông Minh Trí, số tiền hơn 200 triệu kiều bào quyên góp ủng hộ xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và hơn 350 triệu đồng bà con ủng hộ cho đồng bào lũ lụt đã nói hộ tình cảm của những người con xa quê với đất nước. Hơn 10.000 kiều bào tại Ucraina là nhân tố quan trọng góp phần quảng bá đất nước, văn hoá và con người Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Minh Trí khẳng định. Theo ông Trí, cộng đồng người Việt tại Ucraina đã tạo dựng được quan hệ tốt đẹp với chính quyền sở tại, có ý thức tuân thủ pháp luật của chính quyền sở tại, có cuộc sống ổn định và luôn hướng về quê hương, đất nước. Chính những điều này đã giúp cộng đồng người Việt trụ vững ở nơi đây.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của những “đại sứ nhân dân”, chính quyền Ucraina đã coi trọng và dành ưu tiên trong phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Việt Nam, đồng thời Ucraina luôn khẳng định quan điểm sẵn sàng hỗ trợ tích cực và ủng hộ Việt Nam mở rộng thị trường hàng hóa sang nước bạn và các nước trong khu vực Đông Nam châu Âu.