Người Việt ở Thái Lan hiện có khoảng trên 100.000 người, định cư tại nhiều địa phương như Udon Thani, Nakhon Phanom, Nong Khai… và tập trung đông nhất vẫn là tại các điểm có nhiều danh thắng tham quan du lịch như Phuket, Pattaya đến Bangkok với đủ các nghề để mưu sinh.
Một xe đẩy hoa quả của người Việt ở Bangkok.
Trước khi sang Thái Lan, anh bạn tôi – một hướng dẫn viên du lịch có dặn, nếu muốn tới khu có đông người Việt mình mưu sinh thì chỉ có thể là các điểm du lịch sầm uất, bởi đấy chính là mảnh đất màu mỡ để họ mưu sinh với đủ thứ nghề như bán hàng lưu niệm, xe đẩy hoa quả, vận chuyển hàng hóa…
Ngày thứ hai ở Thái Lan, hỏi thăm nhân viên khách sạn rất kỹ, cầm theo tấm bản đồ tôi bắt đầu khám phá đất Thái. Điểm đầu tiên ghé thăm chính là chùa Phật Vàng, một ngôi chùa nổi tiếng ở thủ đô Bangkok mà hầu như người Việt nào sang Thái cũng muốn một lần ghé thăm.
- Mời chị uống quả dừa cho mát rồi vào thăm chùa.
Vừa bước xuống khỏi taxi tôi bắt gặp lời chào của một chị bán hàng xe đẩy người Việt. Thoăn thoắt xếp lại những trái hoa quả trên xe chị vẫn không quên nở nụ cười rất tươi và chìa ra trước mặt tôi một trái dừa xiêm cùng chiếc ống hút. Quả là rất khó từ chối với lời chào mời khéo léo của một người đồng hương trên đất khách.
Chỉ một lát sau câu chuyện của chúng tôi bắt đầu thân mật hơn khi chị bảo, lâu lắm lại có người khách nán lại hỏi thăm, bởi thông thường mọi người sang đây đi du lịch theo tour, có chào nhau cũng chỉ được một vài câu rồi thôi.
5 năm trước vợ chồng chị Hoàn đều nghỉ làm công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương, được người quen giới thiệu sang Thái làm cùng. Thế nhưng ở đất Thái vừa ấm chỗ thì anh bạn lại gặp một số trục trặc nên chuyện “hợp tác” đổ bể.
Vốn liếng ít, tiếng Thái cũng lõm bõm vài ba câu, nên anh chị quyết định sắm một chiếc xe đẩy bán hoa quả ướp lạnh. Hàng ngày chị tới một số điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan để bán hàng, còn anh sau khi theo học một khóa tiếng Thái đã xin được vào làm tại một hãng taxi.
“Nói là ổn định nhưng cũng vất vả cô ạ. Để trở thành người nhập cư hợp pháp có thời hạn trên đất Thái, mỗi tháng chúng tôi phải nộp cho chính quyền sở tại 5.000 baht (khoảng 3,5 triệu VND) là các khoản bảo hiểm, an ninh, lưu trú… Khi đóng tiền, chính quyền sẽ cấp cho một tờ giấy (như kiểu giấy bảo lãnh) trong đó ghi đầy đủ tên tuổi, quốc tịch, nơi tạm trú, nghề nghiệp… Có giấy này mới đủ điều kiện để làm ăn ở đây” – chị Hoàn kể và cho biết thêm, ngoài ra còn các khoản thuê nhà, ăn uống, điện thoại, nên mỗi tháng chắt chiu cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 8.000 baht.
Hỏi về tình cảm của người dân sở tại, chị bảo, họ tình cảm lắm, rất quý người Việt mình. Ngày tôi mới về khu nhà ở thuê, hàng xóm rất hay giúp đỡ, thậm chí còn tặng một số vật dụng trong gia đình. Thế nhưng có một điểm đặc biệt người Thái rất ghét sự dối trá, chỉ cần thấy người nào không thật thà hay có ý gian dối là họ “tẩy chay” ngay.
Cũng theo lời chị Hoàn, mặc dù là bán hàng rong nhưng các chị cũng phải kiêm luôn được nghề hướng dẫn viên du lịch. “Có như thế khách mới mua hàng mình nhiều, khi họ dừng chân mua một chút trái cây là thế nào cũng hỏi thăm thông tin về một số điểm đến, các phong tục, tập quán của người Thái như nào?
Những lúc đó mình phải trả lời và hướng dẫn cho họ. Mà để có những thông tin đó không còn cách nào khác là phải học hỏi. Những lúc rảnh rỗi nghỉ trưa hay buổi tối đi bán hàng về tôi đều phải tranh thủ tìm hiểu và tự trang bị cho mình những vốn liếng đó”, chị Hoàn kể thêm.
Ngoài các điểm du lịch nổi tiếng, nơi có đông người Việt mưu sinh, trong những ngày ở Thái Lan tôi đã tìm đến chợ người Việt ở trung tâm Bangkok. Chợ nằm ngay trong một con hẻm của đường Samsen, sát nhà thờ Saint Francis Xavier Bangkok. Khu chợ này mang dáng dấp của một chợ phiên truyền thống ở Việt Nam bởi chỉ họp vào cuối tuần và từ 6 giờ sáng đến 9,10 giờ là tan.
Tôi ghé vào hàng ăn của chị Phượng, quầy nhỏ nhưng bán đủ món như chả chiên, lạp xưởng, bánh tráng…và cả café. Chị Phượng kể, chị theo mẹ sang Thái khi mới 20 tuổi. Ở lại, lấy chồng Thái và gắn bó với nghề bán hàng ăn này. Một cửa hàng như chị thu nhập khoảng 500 baht mỗi ngày.
15 năm ở đất Thái, ăn cơm Thái, nói tiếng Thái, thế nhưng chị bảo vẫn không quên tiếng mẹ đẻ nào đâu nhé. Đặc biệt, mỗi tuần chị đều dạy cho các con một chút ít tiếng Việt để sau này có dịp về thăm quê mẹ các cháu không thấy xa lạ.
Người Việt ở Bankok khá đông, họ làm đủ nghề để mưu sinh. Người vất vả cũng nhiều nhưng thành công cũng không ít, nhất là với hàng ăn. Như quán ăn cùa bà cụ Liên ở ngay gần nhà thờ Saint Francis Xavier. Thực đơn quán của bà đa phần là các món ăn Nam Bộ như bánh xèo, bánh cuốn, bò bía, thịt xiên nướng...
Gia đình bà Liên sống ở Bangkok hơn 50 năm nay, nhờ mở cửa hàng ăn mà bà có thể nuôi các con ăn học thành đạt. Giờ mỗi người có một công việc riêng. Cuộc sống khá đủ đầy nhưng bà Liên vẫn duy trì quán ăn này như để lưu giữ những nét truyền thống của quê hương nơi đất khách và cũng là giữ một điểm đến để thỉnh thoảng bà con người Việt có thể gặp nhau trò chuyện hay có những hoạt động quyên góp ủng hộ quê hương.
Có thể nói, ẩm thực Việt được người Thái khá ưa chuộng, thế nên việc có nhiều người sống dư dả nhờ kinh doanh hàng ăn không phải là chuyện hiếm ở Thái Lan. Như nhà hàng ăn Daeng Namnuang nổi tiếng của vợ chồng bà Vỵ trên sông Mekong mỗi ngày phục vụ hàng ngàn lượt khách Thái và du khách quốc tế đến thưởng thức món nem nướng Việt. Đến nay, thương hiệu này đã được gia đình bà phát triển thành chuỗi nhà hàng với ba cơ sở ở Nongkhai, Udon và Chiang Mai...
Người Việt mình vốn chăm chỉ, chịu khó nên dễ dàng hòa nhập và thích nghi trên đất Thái. Mỗi người một nghề nhưng có thể nói họ đã và đang tạo dựng được cuộc sống ổn định.