Mỗi năm lượng kiều hối gửi về TP HCM chiếm 1/3 cả nước, ước tính từ 3 đến 4 tỷ USD, đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Để có được sự đầu tư lớn, ổn định như vậy, đầu tiên phải kể đến vai trò của Hiệp Hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh (Hiệp hội), bởi chính Hiệp hội là cầu nối quan trọng cho sự thành công trên. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, PV Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thành - Chủ tịch Hiệp hội.
Ông Phan Thành.
Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của Hiệp hội cũng như những hỗ trợ của Hiệp hội đối với các hội viên?
Ông Phan Thành: Hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, làm cầu nối gắn kết các doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới, có nhiệm vụ phát huy sức mạnh của mạng lưới doanh nhân, DN người Việt Nam tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với nhau, tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước, hỗ trợ DN trong nước trong chiến lược hội nhập và phát triển.
Chúng tôi tạo môi trường hợp tác kinh doanh, tổ chức các sự kiện để các doanh nhân, DN Việt Nam trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm bạn hàng và hợp tác đầu tư; huy động nguồn lực từ các doanh nhân, DN nhằm thực hiện các dự án đầu tư hiệu quả cao. Cung cấp thông tin hữu ích về các dự án đầu tư tiềm năng, thông tin kinh tế-thị trường, cập nhật các chủ trương, chính sách có liên quan, giúp hội viên nắm bắt được các cơ hội đầu tư, tình hình trong nước và quốc tế…
Đồng thời tập hợp các kiến nghị và đề xuất những biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh với các cơ quan chức năng của thành phố, trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ các DN trong và ngoài nước…
Nếu phác họa về bức tranh hoạt động của doanh nhân kiều bào hiện nay, ông sẽ nói gì?
- Trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã vượt qua những khó khăn, một số người đứng vững tại thị trường nước sở tại, trong khi một số DN, tập đoàn lớn đang có xu hướng chuyển mạnh về kinh doanh, đầu tư tại TP Hồ Chí Minh.
Doanh nhân kiều bào có tiềm lực kinh tế ngày càng lớn, có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả đối với chính quyền sở tại. Nhiều DN đã liên kết, tổ chức tốt các hoạt động của người Việt, hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, tạo thế cho cộng đồng người Việt, đồng thời, có nhiều hình thức đóng góp với trong nước, tích cực hỗ trợ các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hoá, thương mại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân người Việt đầu tư vào TP HCM.
Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài không chỉ tự vận động, tranh thủ cơ hội mà đã liên kết với nhau hình thành nên những mạng lưới trải khắp các khu vực, các quốc gia. Tại hầu hết các địa bàn đã có Hội Doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, tháng 8/2009, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã ra đời với bước đầu hơn 200 hội viên là DN Việt Nam đang làm ăn thành đạt ở trên 30 nước trên toàn thế giới.
Đây được coi như mái nhà chung của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ và nâng cao vị thế của DN Việt Nam. Nhiều trung tâm thương mại, chi hội DN Việt Nam ở nước ngoài đã và đang được xây dựng, thành lập và triển khai hoạt động nhằm phát huy sức mạnh của mạng lưới DN, doanh nghiệp người Việt Nam trên khắp thế giới.
Đến nay, các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp được những gì cho TP Hồ Chí Minh, thưa ông?
Hiện TP Hồ Chí Minh có lượng kiều bào và thân nhân kiều bào lớn nhất cả nước. Thống kê trong 10 năm qua, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã thu hút được trên 33 tỷ USD, góp phần ổn định kinh tế thành phố cũng như cả trong nước. Số kinh phí mà kiều bào đóng góp cho các chương trình xã hội – từ thiện tại 24 quận, huyện lên tới hơn 70 tỷ đồng.
Kiều hối chuyển về trong nước hàng năm luôn tăng lên, những năm gần đây số tiền gửi về trong nước trung bình khoảng 10 tỷ USD thì riêng TP Hồ Chí Minh chiếm 1/3 trong số đó. Hiện nay, về cơ bản DN làm ăn rất tốt, số lượng và tỷ lệ thành công ngày một cao lên. Hầu hết kiều bào ta đều sống ở Mỹ mà những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Mỹ có nhiều cải thiện, nhất là hợp tác trong kinh tế nên kiều bào rất phấn khởi.
Để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, ông có kiến nghị, đề xuất gì?
Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ngoài, chúng tôi mong muốn Chính phủ và TP Hồ Chí Minh có kế hoạch để liên kết những người Việt Nam đang kinh doanh tại các quốc gia trên thế giới, đồng thời tổ chức đào tạo tập huấn kiến thức về quản lý và xúc tiến thương mại - du lịch, chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ ta cho họ, khuyến khích và tạo cơ hội cho các DN trong nước ký kết hợp đồng với các DN người Việt Nam ở nước ngoài để đôi bên cùng có lợi.
Hàng ngày công dân của nước sở tại đều có quan hệ mua bán, giao dịch tại các cơ sở kinh doanh của người Việt, nhất là các chợ và nhà hàng. Nếu các cơ sở đó đã được trang bị kiến thức về xúc tiến thương mại và du lịch… và có nhiều tài liệu cần thiết về môi trường đầu tư, địa danh du lịch của Việt Nam để quảng bá tại các cơ sở kinh doanh của họ và có quyền lợi nếu kết nối được sự hợp tác với các DN trong nước thì chủ DN người Việt tại các quốc gia sở tại sẽ là những nhân viên xúc tiến thương mại và đầu tư du lịch tích cực và hiệu quả. Như vậy, chúng ta không chỉ có “những ngày Việt Nam”, mà có liên tục 365 ngày Việt Nam trong năm tại các quốc gia có người Việt đang kinh doanh.
Cần khuyến khích cán bộ công chức khi đến công tác ở quốc gia nào hãy sử dụng hàng hóa dịch vụ của các DN người Việt đang kinh doanh – đó cũng là sự hưởng ứng thiết thực nhất chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!