Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam đang sống ở nước ngoài về nước đóng góp xây dựng quê hương. Các động thái đó đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự gắn kết giữa lực lượng này với đất nước cũng như việc thu hút nguồn lực trí thức kiều bào đóng góp cho đất nước còn chưa được phát huy tối đa.
Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ trí thức kiều bào.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống, lao động, học tập tại 109 nước và vùng lãnh thổ, tăng 40% so với cách đây 10 năm, trong đó khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức có trình độ từ đại học trở lên. Đa số trí thức kiều bào dù sống xa Tổ quốc nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa, luôn hướng về quê hương. Họ luôn mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương, sẵn sàng làm cầu nối giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Thế hệ trẻ trong giới trí thức người Việt ở nước ngoài đang thay thế dần lớp người lớn tuổi, cũng mong muốn tìm về cội nguồn. Bình quân hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức kiều bào về nước làm việc, tham gia vào các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo.
Khi Việt Nam hôị nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực thì càng có nhiều trí thức, nhà khoa học gốc Việt trên thế giới về nước định cư lâu dài và làm việc. Cùng với doanh nhân kiều bào và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các trí thức, nhà khoa học gốc Việt khi về nước làm việc đã góp phần kéo theo lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2015 lên hơn 12 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Qua đó cho thấy trí thức kiều bào luôn vững tin vào đường lối đúng đắn, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Nhưng so với tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có đông đảo trí thức và nhà khoa học thì kết quả thu được còn hạn chế. Yêu cầu đặt ra trong những năm tới là cần có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để khai thác một cách hiệu quả nguồn lực này để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, để xây dựng được một cơ chế “đặc biệt” mang tính đột phá nhằm thu hút mạnh mẽ hơn những nguồn lực cả về kinh tế lẫn chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào. Cần xác định tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài, xây dựng các tiêu chuẩn, quy định sàng lọc để hấp dẫn được những cá nhân xuất sắc nhất trong cộng đồng, khuyến khích sự tham gia tích cực của họ vào công cuộc xây dựng quê hương.
Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa thể có tiềm lực chi trả đầy đủ cho những công sức về mặt chất xám của những trí thức Việt Nam ở nước ngoài giống như những nước phát triển đã và đang chi trả cho họ. Tuy nhiên, đa số trí thức kiều bào cũng không yêu cầu đất nước phải bảo đảm các điều kiện tài chính hay vật chất hoàn hảo như ở nước ngoài. Trước tiên, chỉ cần đất nước thật sự thay đổi, tạo ra những điều kiện làm việc cơ bản, có những cơ chế, những quan tâm thiết thực đến đội ngũ trí thức thì sẽ động viên được đội ngũ này một cách đáng kể. Cần lưu ý môi trường làm việc và điều kiện thuận lợi cho hoạt động tri của thức mới là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất. Môi trường đó phải đảm bảo tính không giới hạn của học thuật,tự do sáng tạo và tư duy phản biện vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, vì đại nghĩa của dân tộc.
Đồng thời cũng cần thay đổi quan niệm cho rằng trí thức người Việt ở nước ngoài phải hồi hương mới là phục vụ đất nước. Không nhất thiết phải đòi hỏi họ luôn luôn lấy Việt Nam làm trọng tâm nghiên cứu và đối tượng suy nghĩ. Đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước, trong chừng mực họ muốn, ngày nay có thể thực hiện từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Phải hiểu rằng một người trí thức hiện đại, ngay những người nặng lòng với quê hương, có rất nhiều trăn trở về sự nghiệp, về vị trí của họ trên bản đồ trí thức nhân loại. Tưởng là nghịch lý, song điều đó mới chính là điểm kết nối và lực hấp dẫn thu hút sự quan tâm, khả năng đóng góp thực sự của trí thức kiều bào dành cho quê hương đất nước ngày càng lớn hơn, tương xứng với tiềm năng vốn có của lực lượng này ở nhiều nước trên thế giới.