Học trò mắc lỗi là chuyện xưa như Trái đất. Phạt học trò cũng là chuyện “đặng chẳng đừng” mà hầu hết giáo viên đều phải trải qua. Nhưng xử phạt thế nào để trò tâm phục khẩu phục, nhận ra lỗi của mình và có ý thức sửa sai là điều ai cũng mong mỏi ở các nhà giáo dục. Song giữa kỳ vọng và thực tế vẫn còn khoảng cách lớn.
Hình ảnh nam sinh bị cô giáo bắt phạt quỳ ngay giữa giờ học gây xôn dư luận trong những ngày qua.
Mới đây, một cô giáo yêu cầu hai học sinh lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) quỳ trước bục giảng ngay trong giờ học vì vi phạm nội quy. Một trong hai em đã không thực hiện vì cho rằng hình phạt mang tính lăng nhục nên bị giáo viên đuổi ra khỏi lớp.
Điều đáng nói ở đây là hình thức phạt quỳ này là do một phụ huynh có con vi phạm nội quy (cụ thể là nói chuyện riêng trong giờ) đề xuất với mong muốn “để đứa nọ nhìn gương đứa kia, còn nếu phạt dọn vệ sinh rồi cuối cùng đâu lại hoàn đấy. Tôi nghĩ, phạt quỳ thì con vẫn được nghe giảng và chép bài”. Thêm nữa, người mẹ này nói như vậy để mong cô giáo có hình thức nào đó răn đe, khiến các cháu sợ nhưng không ngờ cô giáo… phạt quỳ thật!
Một số phụ huynh khác cũng tham gia buổi họp đó, có biết về đề xuất “phạt quỳ” này nhưng không phản đối. Họ bày tỏ tin tưởng cô giáo “cứ phạt hình thức nào khiến con ngoan hơn và tiến bộ là được”. Ngược lại, người mẹ của học sinh không đồng ý quỳ thì gửi đơn tố cáo đến UBND và Phòng GDĐT huyện Thường Tín về việc cô giáo bắt con trai chị phải quỳ trong giờ học. Quan điểm của vị phụ huynh này là không đồng tình vì cho rằng đây là hình phạt có tính chất “lăng mạ và sỉ nhục học sinh”.
Đáng lẽ đối với học sinh không nghe lời, cô phải “vừa dạy, vừa dỗ”, đồng thời phối hợp với gia đình và nhà trường để giáo dục con trẻ là điều phụ huynh này đề xuất. Theo chị, khi gặp trường hợp như vậy cô giáo cần đi đến từng nhà, hoặc chí ít, nếu không đến được cô sẽ điện thoại cho phụ huynh để phản ánh tình hình học trò…
Một sự việc, ngay chính những người trong cuộc và có liên quan đã có những cách nhìn khác nhau. Với những người ngoài cuộc, nhiều người tỏ ra thông cảm với cô giáo vì nhận được sự gửi gắm của phụ huynh, và cũng “đặng chẳng đừng”, cô bất lực với học trò như chính chia sẻ của cô nên mới hành xử như vậy dù biết là sai. Có người bênh vực cô vì chính bản thân họ cũng từng nhận những kiểu phạt như vậy thuở học trò. Theo họ, nhờ vậy mà họ nên người. Ngược lại, cũng có người phản đối hoàn toàn kiểu phạt mà cô giáo áp dụng vì vi phạm Luật Bảo vệ trẻ em, xâm hại thân thể người khác…
Cá nhân người viết bài, tôi quan tâm đến cảm nhận của hai em học sinh bị cô giáo phạt quỳ. Một em đã bày tỏ chính kiến của mình là không đồng ý chịu phạt nên bị đuổi ra khỏi lớp. Một em chấp nhận quỳ trước bục giảng để như mẹ em nói là vẫn được ở trong lớp nghe giảng và chép bài! Không hiểu, trong khoảnh khắc ấy em nghĩ gì? Thực sự, trong tư thế ấy, em có thể tiếp thu được bài giảng mà cô giáo đang nói phía trên bục cao kia không? Em có nghe thấy những lời xì xào của các bạn phía dưới lớp không? Em có để ý đến những ánh mắt đang nhìn chằm chằm hoặc len lén vào em không? Và khi nhìn thấy bức ảnh chụp mình trong tư thế bị phạt ngập tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đầy rẫy trên mạng xã hội, em cảm thấy thế nào? Tôi không biết em nghĩ gì, nhưng chắc chắn một điều, không ai mong mình nổi tiếng theo cách ấy!
Trách ai trong câu chuyện này khi lý lẽ được đưa ra đó là chỉ vì mong con/trò ngoan hơn, tiến bộ hơn, bất chấp đó là hành vi phản giáo dục?
Sẽ không ích gì khi đi tìm ai là người sai trong câu chuyện này mà phải thống nhất ở một quan điểm, trong nỗ lực đổi mới căn bản và toàn diện mà ngành giáo dục và cả xã hội đang dốc sức thực hiện, việc đưa học trò vào vị trí trung tâm chính là không ai có quyền xúc phạm học sinh vì bất cứ lý do gì, kể cả nhân danh giáo dục để thực hiện. Thầy cô phải là người đồng hành cùng học sinh chứ không thể đứng cao hơn các em, đề ra những hình thức phạt không mang tính kỷ luật mà nặng về tính trừng phạt.
Theo phân tích của các chuyên gia, nhiều người đang nhầm lẫn giữa kỷ luật và trừng phạt. Kỷ luật học sinh là để giúp các em nhận ra lỗi lầm, điều chỉnh lại hành vi nhưng vẫn không mất đi sự tự tin. Tức là việc kỷ luật giúp học sinh hiểu em vẫn là người tốt, chỉ có hành động sai và cần phải sửa chữa hành động này. Ngược lại, trừng phạt là những biện pháp gây xúc phạm, áp lực, đau đớn cho người bị phạt về thể chất và tinh thần khiến họ sợ hoặc xấu hổ nhưng vẫn không thể nhận ra mình đã làm gì sai và lần sau nên hành xử như thế nào cho đúng. Nếu người thầy không phân biệt rõ hai khái niệm này thì dễ biến học sinh thành đối tượng để trừng phạt, phản giáo dục, gây tổn thương cho học sinh của mình.
Phạt bắt học sinh quỳ có lẽ chỉ đúng với cách xử phạt ngày xưa, không nên tồn tại trong ngày nay. Đó không thể là một biện pháp cần thiết trong giáo dục học trò bởi vĩnh viễn, cách phạt này không thể cảm hóa được học sinh mà chỉ dẫn đến những tổn thương sâu sắc hơn, những chống đối trong tiềm thức và mất đi sự tin tưởng, sợi dây gắn kết giữa học trò và thầy cô, giữa gia đình và giáo viên, nhà trường.
Kỷ luật tích cực có lẽ là một khái niệm cần được đề cập nhiều hơn trong môi trường sư phạm, đặc biệt là trong giáo trình giảng dạy các sinh viên sư phạm hôm nay.