Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều trẻ em, người già mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm tiểu phế quản, viêm phổi gia tăng. Một trong những nguyên nhân là thay đổi nhiệt độ đột ngột khi trẻ em, người lớn ở trong phòng điều hoà ra nắng ngay hoặc ngược lại.
Gia tăng bệnh viêm phổi ở trẻ em
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện ghi số ca viêm phổi ở trẻ em gia tăng đột biến, với khoảng 100 ca mắc, trong đó viêm thùy phổi chiếm 1/3 số ca mắc. Đặc biệt có những trường hợp bệnh nhi nhập viện đã trong tình trạng nặng, mờ hai thùy phổi, suy hô hấp phải điều trị tích cực do sự chủ quan của gia đình.
Điển hình, trường hợp của bệnh nhi N.H.T.P. (5 tuổi, ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long), vào viện ngày thứ 5 trong tình trạng sốt cao liên tục, ho nhiều đờm. Nghĩ con chỉ viêm đường hô hấp trên bình thường nên gia đình tự điều trị tại nhà, mua kháng sinh không rõ loại về cho con uống. Thấy bệnh con không đỡ, ho nặng tiếng và tiếp tục sốt cao 39-40 độ C, gia đình vội vã đưa con vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Qua chụp X-quang có đám mờ thùy giữa phổi phải, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi thùy và phải điều trị tích cực 1 tuần mới đỡ.
BS Trần Nhị Hà - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, số ca viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi thùy ở trẻ gia tăng nhanh chóng, chủ yếu là trẻ trên 5 tuổi. Nguyên nhân viêm phổi được xác định do vi khuẩn không điển hình xâm nhập và lây lan qua đường hô hấp”.
Tương tự, tại Hà Nội, những bệnh viện có chuyên khoa Nhi, như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cũng ghi nhận các ca viêm phổi vào nhập viện.
“Khi thấy con có biểu hiện ho, sụt sịt, gia đình tôi cũng chỉ nghĩ cháu bị viêm đường hô hấp thông thường, không hề nghĩ đến nguy cơ con bị viêm phổi vì nghĩ bệnh này thường chỉ gặp trong mùa đông. Thế nhưng, những ngày sau, cháu không đỡ mà ngày càng ho mạnh hơn, thở khò khè, quấy khóc, ăn kém, sốt cao nên gia đình đưa cháu tới viện để thăm khám và được các bác sĩ kết luận mắc viêm phổi” - một phụ huynh cho con đến khám ở Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết.
Cẩn trọng với bệnh tay chân miệng
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nắng nóng kéo dài còn bùng phát các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp như: Tiêu chảy do virus Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do virus, bệnh viêm não do mô cầu, viêm não Nhật Bản thường có số ca mắc cao và có thể bùng phát thành dịch.
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Năm nào vào dịp từ tháng 5 đến tháng 8, Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca mắc viêm não do virus, viêm màng não và viêm não Nhật Bản. Trong đó, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Khai thác tiền sử bệnh cho thấy, đa phần trẻ nhập viện do viêm não đều không tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản, thậm chí có tiêm nhưng bỏ mũi, không tiêm nhắc lại”.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM vừa đưa ra cảnh báo, số ca mắc tay chân miệng (TCM) trên địa bàn đang có xu hướng tăng nhanh, trong khi ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa bệnh, khiến thành phố đối mặt nguy cơ dịch chồng dịch. Kết quả giải trình tự virus 6 mẫu bệnh phẩm TCM tại TPHCM cho thấy đều mắc chủng EV71 kiểu gene B5. Đây là type virus trong nhóm độc lực cao, gây bệnh nặng và lây nhiễm nhanh.
Thống kê từ Sở Y tế TPHCM cho thấy, số ca TCM trong đầu tháng 6 cao hơn 2 lần so với hai tuần trước đó, trong đó một bé trai 5 tuổi tử vong. Các bệnh viện nhi tại thành phố đang điều trị 20 - 25 ca TCM nội trú một ngày, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. Trong khi các tháng trước đó, chỉ trung bình 5 - 6 bệnh nhi nằm viện hoặc không có ca nào.
Tại các tỉnh phía Bắc cũng đã ghi nhận nhiều ca mắc TCM. Theo Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị cho hơn 100 ca TCM, đa số các ca đều nhẹ và khỏi bệnh sau đó, tuy nhiên một số trường hợp có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Mới đây Bộ Y tế cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc TCM, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. Số ca mắc TCM có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây. Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh TCM.
Để phòng, chống dịch bệnh mùa hè, BS Hoàng Sơn - Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, người dân cần thực hiện ăn uống sạch, ở sạch và ngủ phải mắc màn; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy), dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Đối với các bệnh dịch có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, bạch hầu, ho gà,..., các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.