TP Hội An, tỉnh Quảng Nam với hơn 1.300 di tích, trong đó tập trung ở khu phố cổ với hơn 1.100 di tích, trước tình trạng hỏa hoạn thường xuyên xảy ra đe dọa các di tích, chính quyền địa phương cần có những biện pháp để bảo vệ, gìn giữ giá trị của những công trình lịch sử này.
Rất nhiều người dân Hội An không thể quên được vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 22h10, ngày 6/3 ở ngôi nhà cổ 2 tầng tại số 134, đường Nguyễn Thái Học, TP Hội An. Ngọn lửa đã thiêu rụi ngôi nhà này, cho đến giờ gia chủ vẫn chưa thống kê được thiệt hại.
Lúc chúng tôi ghé thăm, vợ chồng ông Phan Ngọc Quý (44 tuổi) - trú TP Hội An đang thu dọn một số đồ đạc còn sót lại sau vụ cháy ngôi nhà này. Ông Quý kể, đây là ngôi nhà ông thuê lại của mẹ vợ để kinh doanh buôn bán nước giải khát. Nhưng thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tạm thời đóng cửa.
Ông bắt đầu mở cửa buôn bán trở lại từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, vào tối 6/3, sau khi đóng cửa rồi cùng vợ đi về, một lúc sau ông được người dân gọi báo nhà mình bị cháy lớn. Ông tức tốc chạy về thì lúc này ngọn lửa đã bao trùm thiêu rụi ngôi nhà cùng nhiều tài sản bên trong.
Trước đó, vào ngày 7/8/2021 cũng xảy ra vụ hỏa hoạn tại 1 ngôi nhà khác trong khu phố cổ Hội An. Chủ nhân ngôi nhà này là ông Hà Văn Nh. trú phường Minh An, TP Hội An.
Khi phát hiện ngọn lửa, người dân hô hoán chữa cháy, đồng thời báo chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt tại hiện trường dập lửa. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, đám cháy được dập tắt, không để lửa lan sang các ngôi nhà liền kề. Hay như trước đó là vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà số 94 Trần Phú, Hội An, không những cháy nhà mà còn khiến 3 người bị bỏng nặng.
Đó chỉ là những vụ cháy điển hình. Bà Võ Thị Ánh - trú TP Hội An cho biết, ở phố cổ Hội An từng xảy ra nhiều vụ cháy nhà gây thiệt hại nặng về kinh tế, còn những nhà cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa thì không thể tính được. Nguy cơ cháy nhà đến từ nhiều nguyên nhân, như chập điện hoặc do người dân thắp hương dẫn đến hỏa hoạn.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung Tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP Hội An cho biết, TP Hội An có hơn 1.300 di tích, trong đó tập trung nhiều nhất là khu phố cổ với hơn 1.100 di tích. Các di tích trong khu phố cổ Hội An nằm sát với nhau dày đặc, chất liệu chủ yếu từ vật liệu gỗ nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Chính quyền địa phương đã luôn chú trọng việc tuyên truyền người dân ý thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đầu năm 2022, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC cho người dân trong khu vực phố cổ Hội An. Đã có nhiều hộ dân cam kết đảm bảo về công tác PCCC.
Ông Ngọc cũng cho rằng, hiện nay đường vào khu phố cổ rất hẹp nên khi trường hợp cháy xảy ra, xe cứu hỏa khó tiếp cận hiện trường để ứng cứu. Đặc biệt, nhà trong khu phố cổ Hội An nối liền với nhau, nên nguy cơ khi xảy ra hỏa hoạn rất dễ cháy lan sang nhiều ngôi nhà xung quanh. Vì vậy, địa phương luôn nhắc nhở người dân ý thức trong công tác PCCC. Vì cháy nhà gây thiệt hại rất nặng về kinh tế.
Chia sẻ về công tác PCCC ở phố cổ Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: “Không chỉ tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về công tác PCCC. Hiện chính quyền địa phương đã thi công hệ thống nước ngầm trên đường Trần Phú, TP Hội An để phục vụ công tác này.
Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm hệ thống nước ngầm ở đường Nguyễn Thái Học. Ngoài ra còn có dự án về PCCC của Chính phủ với số tiền 200 tỷ đồng nhằm xây dựng hệ thống PCCC tại chỗ của thành phố”.
Rõ ràng hỏa hoạn đã xảy ra trong phố cổ, đã từng thiêu rụi những ngôi nhà cổ vô giá, gây thiệt hại nặng về kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Do đó, chính quyền địa phương cần phải có những giải pháp để nâng cao ý thức người dân trong công tác PCCC và bảo vệ nhà cửa của người dân trong đó có những ngôi nhà cổ vô giá.