Ngày 25/9, đại diện ngành chăn nuôi gia cầm ở Nam Phi chính thức cho biết đang đối mặt với đợt bùng phát cúm gia cầm tồi tệ nhất từng xảy ra ở nước này. Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, dịch cúm gia cầm có thể khiến virus tăng khả năng thích nghi, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở con người.
Nam Phi trong tâm điểm dịch cúm gia cầm
Công ty Thực phẩm và gia cầm Quantum Foods ở Pretoria (Nam Phi) cho biết đã phải tiêu hủy gần 2 triệu con gà, trị giá tổng cộng hơn 100 triệu rand (5,3 triệu USD) vì cúm gia cầm. Nếu tính từ đầu năm đến nay, đợt bùng phát cúm gia cầm lần này đã gây thiệt hại 220 triệu rand cho công ty. Đây cũng là đợt bùng phát cúm gia cầm dữ dội nhất tại Nam Phi kể từ tháng 4/2017.
Còn theo Hiệp hội Gia cầm Nam Phi (SAPA), nước này đang phải đối mặt với 2 biến thể virus cúm gia cầm là H5N1 và H7N6. Đáng chú ý, theo giới chuyên gia, chủng virus H5N1 đang ngày càng lây nhiễm sang các loài động vật có vú, từ sư tử biển ở Argentina đến cáo ở Phần Lan, làm dấy lên lo ngại rằng, virus này có thể lây sang người dễ dàng hơn. Loại virus này thường chỉ giới hạn trong các đợt bùng phát theo mùa, nhưng kể từ năm 2021 các ca bệnh đã xuất hiện quanh năm và trên toàn cầu, dẫn đến điều mà các chuyên gia cho là đợt bùng phát lớn nhất từng thấy.
Trước đó, vào hồi cuối tháng 6/2023, chính quyền Nam Phi cũng đã ghi nhận đợt bùng phát cúm gia cầm ở tỉnh Mpumalanga do chủng virus có độc lực cao H7 gây ra. Chỉ trong 1 ngày, 9.500 gia cầm tại một trang trại đã chết vì virus H7. Đợt bùng phát bắt đầu ở một trang trại nhỏ ở Delmas, Mpumalanga, và chỉ trong 2 tuần kế tiếp, nó bùng phát dữ dội, được đánh giá là chỉ sau đợt bùng phát chủng H5N1 làm chết hơn 1 triệu con gia cầm ở Western Cape trước đó 2 tháng.
Nguyên nhân được cho là bắt đầu từ những đàn chim di cư, sau đó lây sang gia cầm được nuôi tại các trang trại.
Virus cúm gia cầm đang thay đổi nguy hiểm
Trong khi đó, WHO đã lên tiếng cảnh báo các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới ở các loài động vật có vú có thể khiến virus tăng khả năng thích nghi, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở con người. Cuối năm 2021, châu Âu đã hứng chịu đợt bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất trong lịch sử, trong khi Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng trải qua các đợt dịch nghiêm trọng. Sự cố dẫn đến việc tiêu hủy hàng chục triệu gia cầm trên toàn thế giới, trong đó chủ yếu là gia cầm nhiễm biến thể virus H5N1.
Theo WHO, virus gây cúm gia cầm thường chỉ lây lan ở các loài họ chim, song gần đây biến thể virus H5N1 đã lây lan nhiều hơn ở các loài động vật có vú - vốn có cấu tạo sinh học gần hơn với con người. Một số loài động vật có vú có thể đóng vai trò là vật truyền nhiễm trung gian, dẫn đến khả năng xuất hiện các biến thể virus mới gây hại cho sức khỏe động vật lẫn con người.
Cụ thể, tính tới tuần cuối tháng 9/2023, các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đã được ghi nhận ở 26 loài động vật, trong đó có những con chồn được nuôi nhốt ở Tây Ban Nha, hải cẩu ở Chile và cả một số cá thể mèo ở Ba Lan.
Giám đốc khoa học của Tổ chức thú y thế giới (WOAH) Gregorio Torres cho biết, bệnh cúm gia cầm ở người dễ chuyển nặng với tỷ lệ tử vong cao. Các trường hợp cúm gia cầm ở người thường là do việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường có chứa virus.
Còn theo tiến sĩ Sylvie Briand - chuyên gia lĩnh vực kiểm soát nguy cơ lây nhiễm toàn cầu của WHO, virus gây cúm gia cầm thường không dễ lây nhiễm từ người sang người, song vẫn phải cẩn trọng trước khả năng chúng biến hóa đẩy nguy cơ lên cao. Từ đó, bà Sylvie hối thúc các nước tăng cường khả năng giám sát đối với loại virus này.
Theo WHO, dịch cúm gia cầm đầu tiên được phát hiện trên thế giới vào năm 1996. Lúc đó, ngành chăn nuôi thế giới hầu như “không quan tâm” tới nó. Nhưng rất nhanh sau đó, do sự lây lan cực nhanh trong các trang trại chăn nuôi gia cầm, người ta mới thừa nhận mức độ cực kỳ nguy hại của nó.
“Virus cúm gia cầm thường lây lan giữa các loài chim, nhưng số lượng phát hiện cúm gia cầm H5N1 ngày càng tăng ở các loài động vật có vú… làm dấy lên mối lo ngại rằng loại virus này có thể thích nghi để lây nhiễm sang người dễ dàng hơn” - đại diện WHO nói và cho biết thêm, phạm vi dịch từ biến thể virus H5N1 ngày càng lan rộng, từ châu Phi, châu Á, châu Âu và cả Bắc Mỹ, sau đó đến Trung và Nam Mỹ. Riêng trong năm 2022, 67 quốc gia ở 5 châu lục đã báo cáo các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 gây bệnh cao, với hơn 131 triệu gia cầm buộc phải tiêu hủy.
Cho tới tháng 9/2023, thêm 14 quốc gia đã báo cáo các đợt bùng phát, chủ yếu ở châu Mỹ, khi dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng.
Giới chức y tế Âu - Mỹ đã phát di lời kêu gọi hành động trên phạm vi quốc tế để giải quyết sự lây lan của dịch cúm gia cầm, trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng rằng virus cúm gia cầm có thể biến đổi và lây lan sang người. Giáo sư Ian Brown - Cơ quan Thú y và Thực vật Vương quốc Anh nhấn mạnh, virus cúm gia cầm đang hoành hành, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch như Covid-19. Theo WHO, đã có khoảng 830 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở người trong 20 năm qua, trong đó có 457 trường hợp tử vong.