Ngày 19/7, bão Talim (bão số 1) suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to cho nhiều khu vực ở miền Bắc...
Bão số 1 đổ bộ vào miền Bắc có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm trở lại đây, gây mưa rất lớn. Bắc Bộ mưa khoảng 200-400 mm, có nơi trên 500 mm. Yên Bái và Bắc Kạn là 2 tỉnh có nhiều điểm nguy cơ sạt lở nhất.
Thực tế diễn biến cho thấy, bão số 1 đi giống với kịch bản mà cơ quan khí tượng của Việt Nam đã nhận định trước đó một ngày. Bão không đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng mà lệch lên phía Bắc, đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó chạy dọc biên giới Việt - Trung và suy yếu dần.
Mặc dù bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to cho nhiều khu vực ở miền Bắc. Từ ngày 20-21/7, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 100mm.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, ngày 19/7, khu vực Đông Bắc, Tây Bắc có mưa to đến rất to. Các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, có mưa to 150 - 250mm, cục bộ có nơi trên 350mm. Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 70 - 150mm. Các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị và nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Để tránh những thiệt hại có thể xảy ra do mưa lũ sau bão, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, yêu cầu các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán dân ra khỏi nhà yếu, khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu quảng cáo; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập lụt khu đô thị và công nghiệp, nhất là tại các tỉnh, TP thường xuyên xảy ra ngập lụt khi có mưa to như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cũng khuyến cáo, khi gặp lũ quét và sạt lở đất, người dân cần di chuyển thật nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến các vị trí cao hơn. Tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, không được lội qua sông, suối, ngầm, đập tràn, những khu vực bị ngập, không đi qua cầu cống khi nước chảy mạnh; thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi thấy dấu hiệu về lũ quét.
Bên cạnh đó, người dân cần luôn luôn cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét (mưa lớn kéo dài), kể cả ban đêm; thường xuyên theo dõi cảnh báo mưa, lũ quét; sẵn sàng sơ tán theo phương án của chính quyền.
Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 19/7, mực nước tại các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang vẫn đang thấp hơn mực nước cho phép. Dung tích các hồ thủy lợi khu vực Bắc Bộ phần lớn đạt 32%-86% dung tích thiết kế.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là vẫn còn gần 500 hồ thủy lợi xung yếu và 20 hồ đang thi công. Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu, 7 công trình đang thi công dở dang, 3 công trình có sự cố chưa được xử lý triệt để cần quan tâm, bảo vệ.
Trong khi bão số 1 vẫn đang gây ảnh hưởng thì một vùng áp thấp đã hình thành ở ngoài khơi Philippines, khả năng vùng áp thấp này sẽ mạnh lên thành một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới và có thể đi vào Biển Đông. TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trên dải hội tụ nhiệt đới bão số 1 vừa qua đã hình thành thêm các vùng xoáy thấp mới. Khả năng trong 1-2 ngày tới vùng áp thấp này sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão.
“Khả năng cao đây sẽ là cơn bão số 2 ảnh hưởng đến nước ta trong những ngày cuối tháng 7. Trong khi đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 1, miền Bắc tiếp tục có mưa, đặc biệt đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi...” – ông Lâm cho biết.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, đến trưa 19/7, mưa kèm dông lốc đã làm một người chết do sập nhà chờ tại bến cảng An Sơn, huyện Kiến Hải, tỉnh Kiên Giang; ba người bị thương (Kiên Giang). Mưa và dông cũng làm 221 nhà bị sập, hư hỏng (Kon Tum 2, Trà Vinh 4, Vĩnh Long 11, Kiên Giang 69, Hậu Giang 19, Cà Mau 116). 661,3ha lúa, hoa màu bị thiệt hại (Gia Lai 59,7ha; Kon Tum 51,6ha; Kiên Giang 550ha); 15,13ha ao cá bị vỡ, 400 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, 13 điểm giao thông bị sạt lở, 1 cống thoát nước bị sạt lở, 100m kênh bị sạt lở, cuốn trôi (Kon Tum); 30m kênh bị sạt lở, cuốn trôi (Gia Lai)…