Nguy cơ mất an toàn bữa ăn bán trú

Lam Nhi 03/10/2023 06:25

Ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn trường học vẫn là nguy cơ khi với số lượng suất ăn lớn có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người nếu xảy ra sự cố.

Kiểm tra thực phẩm trước khi chế biến suất ăn bán trú tại một trường mầm non. Ảnh: Ngọc Minh.

Hậu quả nghiêm trọng

Chị Minh Lan (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết từ những năm học trước chị đã đăng ký cho con ăn bán trú ở trường vì không có thời gian đưa đón con buổi trưa. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại Trường THPT Chu Văn Thịnh, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cuối tháng 9 vừa qua đã không khỏi khiến chị lo lắng. Nếu nhân viên nhà bếp không phát hiện ra kịp thời, học sinh đã ăn hết khẩu phần ăn của mình thì liệu các em sẽ bị ảnh hưởng đến đâu nếu ăn món ăn có dấu hiệu bỏ thuốc trừ sâu?

“Nếu những vụ ngộ độc thực phẩm khác là do vô tình, không ai mong muốn thì trong câu chuyện ở trên lại là có chủ ý, tôi thực sự lo lắng về đội ngũ những người làm công việc chuẩn bị bữa ăn bán trú ở các trường hiện nay có được đào tạo, am hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?” - chị Lan nói.

Trước đó, năm học 2022 - 2023 từng xảy ra những vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm như tại một trường tiểu học ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, sau bữa ăn và uống sữa do bếp ăn của trường tổ chức đã có 14 học sinh nôn ói, đau bụng, nhận thấy dấu hiệu giáo viên đã đưa các em đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Hay sự việc ngộ độc thực phẩm tập thể rất nghiêm trọng xảy ra tại Nha Trang khiến cho hơn 660 học sinh và giáo viên phải nhập viện, trong đó 1 học sinh đã tử vong.

Chia sẻ về bữa ăn bán trú, cô Đàm Thị Kim Dung (Trường Tiểu học Thúy Lĩnh, Hà Nội) cho biết, năm học 2023 - 2024, trường có tổng số hơn 900 học sinh, trong đó 650 em ăn bán trú. Với cơ sở vật chất mới được bàn giao sau 3 năm sử dụng, đại diện nhà trường cho biết trường thực hiện giám sát bữa ăn dinh dưỡng, chất lượng cho học sinh ngay từ khi bắt đầu năm học mới. Trong đó, cẩn thận đánh giá từng tiêu chí để lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn, sát sao khi lên thực đơn bán trú hàng tuần và công khai để phụ huynh tiện theo dõi.

“Trong quy trình chế biến thức ăn của bếp ăn một chiều, tất cả các khâu từ giao nhận thực phẩm đến chế biến, lưu mẫu thức ăn, định lượng suất ăn, nhà trường cử một tổ công tác giám sát với thành phần là đại diện ban giám hiệu, công đoàn, ban phụ huynh. Các công việc được thực hiện rất chỉn chu, kỹ càng, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt” - cô Dung nói và cho biết thêm Trường Tiểu học Thúy Lĩnh là một trong số ít các trường học ở Hà Nội có nhà ăn riêng cho học sinh.

Tăng cường giám sát bữa ăn bán trú

Hiện nay, Hà Nội có đến gần 4.500 bếp ăn tập thể trường học. Thành phố đã triển khai quyết liệt kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn. Trong đó, tăng cường sự tham gia quản lý, kiểm soát của chính quyền, các ban ngành và đoàn thể ở địa phương.

Qua giám sát kiểm tra, đa số các trường chủ động kiểm soát nguồn gốc thực phẩm sử dụng trong bếp ăn tập thể, công khai các đơn vị đã được lựa chọn. Số cơ sở được kiểm tra là 215 cơ sở, trong đó 182 cơ sở đạt chiếm tỷ lệ 84,7%, khoảng 15% cơ sở không đạt yêu cầu.

Đối với vấn đề bán trú, trước khi bước vào năm học mới, Sở GDĐT Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường có bếp ăn tập thể phải bảo đảm đủ các điều kiện an toàn thực phẩm, tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thanh kiểm tra đột xuất vẫn rất quan trọng trong quá trình chuẩn bị bữa ăn bán trú. Ngoài quy định chung của ngành giáo dục, các địa phương thời gian qua cũng kiên quyết hành động, thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử, UBND quận Hà Đông (Hà Nội) chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện gắn camera tại khu vực chế biến, bếp ăn, phòng chia đồ, cổng trường, thực hiện lưu trữ mẫu thức ăn theo quy định. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát về chất lượng thực phẩm, chất lượng bữa ăn, khẩu phần ăn cho học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ của các đơn vị. Hay mới đây, Trường Tiểu học Thành Công A (Hà Nội) đã diễn tập điều tra ngộ độc thực phẩm, góp phần nâng cao cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, không thể lơ là cũng như từng bước xử ý nếu thực sự xảy ra ngộ độc.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý về việc bố trí bếp ăn tập thể, phải nấu cho cả trăm, thậm chí cả ngàn suất ăn 1 bữa sẽ khó đảm bảo an toàn hơn nhiều so với nấu trong quy mô gia đình nhỏ. Vì vậy, cần thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm thì sẽ không xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Đặc biệt, quy trình giám sát trong quá trình chế biến, phân chia thực phẩm sau chế biến cần được đặc biệt lưu ý. Như quan điểm của TS Trần Thị Thu Trà (giảng viên khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM), trong thực tế đã xảy ra những trường hợp bị ngộ độc do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh sau khi thức ăn đã được nấu chín. Nguyên nhân vì nhân viên tay bị thương có mủ mà vẫn tham gia trong quá trình phân chia thức ăn. Vì vậy, mỗi một bước cần kiểm tra kỹ lưỡng, tránh lơ là để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ mất an toàn bữa ăn bán trú

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO