Theo số liệu từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tại Việt Nam có 213.008 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 107.812 người nhiễm HIV đã tử vong. Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV và 2.800 người tử vong.
Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và chủ yếu ở đối tượng nam giới. Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên từ năm 2016 tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Tỷ lệ nhiễm HIV trong số mới phát hiện tính đến ngày 31/8/2020 là 72,2%. Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.090 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.392 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (45%) và 30 - 39 (31%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (76,4%) và qua đường máu (11,9%), mẹ sang con 1,1%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền. Ước tính tỷ lệ hiện nhiễm HIV của Việt Nam trên dân số trong độ tuổi từ 15-49 là 0,3%, đứng thứ 5 trong số các nước khu vực Đông Nam Á.
TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cảnh báo, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt và tỷ lệ nhiễm mới HIV cao. Tại châu Á, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đang tăng lên và có tỷ lệ nhiễm HIV cao gấp 18,7 lần so với dân số chung. Số ca mắc HIV mới trên thế giới đang giảm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM vẫn không thay đổi và tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
Tại Việt Nam, tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), từ 3,95% năm 2011 lên 5,1% năm 2015, 11,36% năm 2018 và 13,85% năm 2019. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM thường tập trung ở các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch như: Cần Thơ: 20,3%, TP Hồ Chí Minh: 13,8%, Bà Rịa-Vũng Tàu: 16%, Khánh Hòa: 14,6%, Hải Phòng: 5,3%.
Theo nghiên cứu của Viện Y tế toàn cầu, Đại học Washington, Mỹ năm 2019 ở 05 tỉnh/thành phố của Việt Nam gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa và Kiên Giang thì từ năm 2017 - 2050 ước tính sẽ có khoảng trên 107.000 ca nhiễm HIV mới trong nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV. Tỷ lệ dùng BCS thường xuyên khi QHTD đồng giới giảm mạnh: từ 42% năm 2012 xuống còn 9,7% năm 2016.
Một nghiên cứu thuần tập trong nhóm MSM tại Hà Nội của Trường Đại học Y Hà Nội mới đây cho thấy 11% trong 1.893 người tham gia nghiên cứu khảo sát đầu vào là người có HIV, 21% nhiễm giang mai, 23% nhiễm chlamydia và 13% nhiễm lậu. Trong số mẫu máu của 75 người nhiễm HIV, 27 (36%) mẫu được khẳng định là mới nhiễm HIV, và hầu hết các ca mới nhiễm là ở nhóm trẻ ≤24 tuổi.
Với những số liệu nói trên, rõ ràng, các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm MSM cần phải được triển khai nhanh chóng và đồng bộ.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, cần truyền thông thay đổi hành vi gồm truyền thông trực tiếp qua nhóm lớn nhóm nhỏ, sự kiện, truyền thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) và các ứng dụng hẹn hò của nhóm MSM (Blued, Grind...) về nội dung HIV/AIDS gồm (PrEP, Xét nghiệm HIV, BCS...). Truyền thông đại chúng phổ biến kiến thức và truyền thông tạo cầu tạo điều kiện cho nhóm MSM tiếp cận thuận lợi các dịch vụ HIV/AIDS. Kết hợp truyền thông dịch vụ HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở nhóm MSM.
Kết hợp với tự xét nghiệm, xét nghiệm tại cộng đồng thông qua các nhóm đồng đẳng và xét nghiệm tư vấn tại cơ sở y tế. Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV kết hợp các bệnh lây truyền qua đường tình dục STIs.
Đồng thời, cung cấp các vật dụng can thiệp Bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm MSM thông qua hệ thống đồng đẳng viên, nhóm cộng đồng và cơ sở y tế.
Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến năm 2020 Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS.
Những kết quả đã đạt được trong suốt 30 năm qua trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, những bài học kinh nghiệm và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là những cơ hội chấm dứt dịch bệnh AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Do vậy trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 (10/11-10/12/2020), Việt Nam tập trung vào chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”.