Theo các chuyên gia tim mạch, tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) và nhồi máu cơ tim là hai căn bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, bệnh liên quan đến sự hình thành các cục máu đông gây nên tắc nghẽn động mạch.
Ảnh minh họa.
Trước đây, đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi. Nhưng hiện nay, xuất hiện những bệnh nhân đột quỵ còn rất trẻ, thậm chí cả những người được cho là rất khỏe như các vận động viên thể thao.
Ví dụ như vào đầu năm nay, người yêu thể thao phải chứng kiến một tai nạn đau lòng là vận động viên marathon mới 24 tuổi đã tử vong khi đang chạy trong một cuộc thi tại TP Hồ Chí Minh. Hay một số vận động viên bóng rổ cũng bị đột quỵ và tử vong khi đang thi đấu….
Theo PGS.TS. BS cao cấp Tạ Mạnh Cường- Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, BV Bạch Mai , đột quỵ do thiếu máu não cục bộ (liên quan tới các cục máu đông trong lòng mạch gây ra) và đột quỵ do xuất huyết não (chảy máu ). Người trẻ bị đột quỵ thường là do dị dạng mạch máu não (đây là căn bệnh bẩm sinh), gây xuất huyết não.
Ở người trẻ tuổi, khi có dấu hiệu đau đầu (uống thuốc không hết), mắt nhìn mờ... nên đi kiểm tra để chữa trị, tránh nguy cơ tai biến mạch máu não. Hoặc khi có cảm giác luôn hồi hộp mà không giải thích được nguyên nhân thì người bệnh nên đi kiểm tra rối loạn nhịp tim, hoặc các bất thường tim mạch.
Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tăng cholesterol, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, van tim, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường... nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị đột quỵ. Nếu cộng thêm yếu tố thời tiết như nóng lạnh bất thường, hoặc ra vào đột ngột ở nơi nhiệt độ thay đổi dễ dẫn tới đột quỵ nhiều hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo những điều không được làm khi người thân bị đột quỵ, bao gồm: Không được tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hay chích nặn máu vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
Không cho người bệnh ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, người bệnh hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm. Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg. Không dùng thuốc Aspirin hay các thuốc chống đông máu, tan máu vì lúc này chưa xác định được người bệnh bị loại đột quỵ não nào, nếu bị xuất huyết não thì dùng các thuốc trên sẽ làm cho người bệnh càng thêm nguy kịch.
Và phải làm gì khi người thân có dấu hiệu đột quỵ? Trước hết là đỡ người thân để họ không bị té ngã là điều cần làm đầu tiên khi sơ cứu người bị đột quỵ. Nếu người bệnh còn tỉnh táo thì cần để người bệnh nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, cần xem người bệnh thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngưng thở. Nếu ngưng thở thì cần hô hấp nhân tạo ngay nhằm kịp thời cung cấp oxy cho não.