Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo về tỷ lệ kháng kháng sinh trong bối cảnh phạm vi xét nghiệm quốc gia và dữ liệu về mức tiêu thụ kháng sinh ở người tại 27 quốc gia. Những con số đáng báo động đã được đưa ra.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO khẳng định: Kháng thuốc kháng sinh làm suy yếu nền y học hiện đại và khiến hàng triệu người gặp nguy hiểm. Ước tính có khoảng 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm do tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gây ra. Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng do sử dụng quá mức và lạm dụng kháng sinh và các thuốc chống vi trùng khác đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với con người, động vật, thực vật, hệ sinh thái và sinh kế.
Không ngoại lệ so với thế giới, kháng kháng sinh cũng đang là nguy cơ tại nước ta. WHO xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao khi tỷ lệ kháng với các loại kháng sinh thuộc nhóm carbapenem đã tăng tới 50%, chủ yếu từ vi khuẩn gram âm; còn tỷ lệ kháng kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 đã tăng lên hơn 60% trong cả nước.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin: “Trong công tác lâm sàng, chúng tôi đã ghi nhận những bệnh nhân nhiễm nấm Candida và Aspergillus toàn thân được chỉ định thuốc nhưng đều đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các loại kháng sinh khác nhau khiến công cuộc điều trị ngày càng trở nên thách thức, phức tạp”.
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Ngọc Cảnh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Châm cứu trung ương cho biết: Việc điều trị bệnh nhân ngày càng khó khăn hơn bởi tình trạng kháng kháng sinh. Đơn cử, chúng tôi đang điều trị bệnh nhân nhập viện do đột quỵ chỉ mới 20 tuổi, mặc dù tuổi trẻ nhưng bệnh nhân hồi phục rất chậm bởi mắc suy hô hấp và vi khuẩn có khả năng kháng thuốc. Những trường hợp bệnh nhân mắc vi khuẩn kháng thuốc khiến điều trị mất nhiều thời gian hơn, tốn kém hơn”.
Trao đổi về trường hợp bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng thuốc, BS Phạm Thị Phương Anh - Đại học Y Hà Nội cho hay, tỷ lệ viêm phổi thở máy và viêm phổi bệnh viện đang tăng cao, trong khi đó vi khuẩn kháng kháng sinh khiến tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị của người bệnh ngày càng tăng. “Chúng tôi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân 65 tuổi, trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân khó thở tăng dần, ho ít nên bệnh nhân tự dùng thuốc xịt hít tại nhà. Tuy nhiên, cùng ngày, bệnh nhân khó thở dữ dội, tím tái nên được đưa cấp cứu tại bệnh viện địa phương rồi được chuyển lên Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai”.
Sau 10 ngày điều trị tại đây, tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi bởi kết quả cấy vi khuẩn cho thấy, bệnh nhân mắc vi khuẩn Baumanii đa kháng, bệnh nhân gần như kháng với tất cả các loại kháng sinh hiện có. Nếu như thông thường, bệnh nhân có thể ra viện chỉ sau vài ngày điều trị thì ở trường hợp này, sau gần 1 tháng điều trị bằng rất nhiều loại kháng sinh cấp cuối, bệnh nhân đã khỏi và được xuất viện.
Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn đa kháng thường xuất hiện trên các bệnh nhân nằm thở máy kéo dài, có bệnh lý nền như đái tháo đường, mất máu, nằm lâu một chỗ có loét tì đè, nhiễm khuẩn ngoài da, mô mềm…Do đó đa phần bệnh nhân đều có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao, một số bệnh nhân từ tuyến khác chuyển tới kháng tất cả các loại kháng sinh khiến việc điều trị khó khăn, nguy cơ tử vong cao. Điều tồi tệ nhất khi bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng thuốc xâm nhập dẫn đến việc điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng, nguy cơ tử vong cao vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, vấn đề đặt ra hiện nay là cần quản lý chặt thị trường thuốc, quản lý các nhà thuốc; phải phối hợp các lĩnh vực, các địa phương mới có thể quản lý được. Đặc biệt là ý thức của các dược sĩ; cần phải tăng cường tuyên truyền về ý thức người dân là những người tiêu dùng thông minh, không tùy tiện dùng kháng sinh.
WHO xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới khi tỷ lệ kháng với các loại kháng sinh thuộc nhóm carbapenem đã tăng tới 50%, chủ yếu từ vi khuẩn gram âm; còn tỷ lệ kháng kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 đã tăng lên hơn 60% trong cả nước.