Kháng thuốc kháng sinh đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất của thế kỷ 21 và đang có gia tăng với mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, làm ảnh hưởng đến an ninh y tế của các quốc gia cũng như toàn cầu. Việt Nam là một trong các nước những năm gần đây đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng lớn của tình trạng kháng kháng sinh do việc sử dụng quá mức và sử dụng không hợp lý.
Lạm dụng kháng sinh gây nhiều tác hại
Vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động, nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Một trong các nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Các chuyên gia y tế cho biết, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở mức báo động tại Việt Nam là do người dân chưa ý thức đầy đủ về kháng kháng sinh, vẫn còn tình trạng mua thuốc không cần đơn và sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Với thói quen mua thuốc không cần đơn vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc, cùng với đó là hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc cũng như việc giáo dục cộng đồng về những hành vi giữ vệ sinh cá nhân phòng ngừa nhiễm khuẩn là vô cùng cần thiết và cấp bách. Hiện nay, nhiều bệnh nhiễm khuẩn thông thường đang kháng với các thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh đó. Việc này dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài hơn và tử vong nhiều hơn.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park cảnh báo, nếu lạm dụng kháng sinh kéo dài mà không có kiểm soát, số lượng bệnh nhân tử vong do kháng thuốc sẽ tăng từ 700.000 người mỗi năm hiện nay lên hàng chục triệu người vào năm 2050. Con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt nhỏ do nhiễm trùng vết thương mà kháng sinh không đáp ứng.
“Dùng thuốc kháng sinh thiếu cân nhắc, lạm dụng kháng sinh… không những gây ra tình trạng kháng thuốc, mà còn gây ra nhiều tác hại khác như gia tăng các biến cố có hại của thuốc không đáng có (như dị ứng, sốc phản vệ, chảy máu đường tiêu hóa...), tăng tỉ lệ nhập viện, cũng như tỉ lệ tử vong, gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh cũng như cho toàn xã hội” - ông Kidong Park nhấn mạnh.
Một cuộc khảo sát bệnh nhân ở 11 quốc gia trên thế giới cho thấy 22% bệnh nhân được dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng cấp tính tại cộng đồng thừa nhận không tuân thủ đầy đủ liệu trình. Nhiều bệnh nhân dùng liều thấp hơn hoặc chỉ dùng trong thời gian ngắn ba ngày thay vì năm ngày.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tình trạng kháng kháng sinh đang đặt ra nhiều thách thức với nhân loại. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người thiệt mạng liên quan đến nhiễm trùng do kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới thậm chí gọi kháng kháng sinh là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Theo ông, tình trạng vi khuẩn kháng thuốc xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như bác sĩ kê đơn không phù hợp, không nhiễm khuẩn vẫn chỉ định dùng kháng sinh; kê đơn không đúng kháng sinh, không phù hợp với bệnh, kê đơn quá liều, kê kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền ngay khi trẻ lần đầu dùng kháng sinh... Dược sĩ bán thuốc khi không có đơn của bác sĩ, thậm chí chỉ định kháng sinh cho người bệnh. Người bệnh, người dân tự ý dùng kháng sinh, không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc…
Các bệnh viện phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới
Theo PGS Nguyễn Văn Chi - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng kháng kháng sinh tăng đến mức đáng báo động theo từng năm. Một năm gần đây, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận có tới 60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Ngành y tế đã có nhiều quy định về kiểm soát kê đơn thuốc kháng sinh trong điều trị, bán thuốc kê đơn. Hành vi bán lẻ kháng sinh mà không có toa thuốc bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đánh giá tình trạng lạm dụng kháng sinh đã làm gia tăng kháng thuốc. Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt kháng sinh hiệu quả để điều trị bệnh nhiễm khuẩn.
WHO đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của Tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ một vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới thế hệ 3 và 4.
Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tình trạng tự mua kháng sinh để tiêm, uống trong dân rất đáng báo động. Đặc biệt với những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, gút, lạm dụng sẽ dễ dẫn đến không đáp ứng khi cần điều trị. Số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng tăng gấp hai lần so với năm 2009. 88% kháng sinh tại thành thị được bán mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%. Kháng sinh sử dụng càng rộng rãi, vi khuẩn càng nhờn thuốc, lại dẫn đến xu hướng tăng sử dụng kháng sinh, chi phí cũng tăng theo. “Khi người bệnh không dùng được kháng sinh thế hệ trước, phải dùng thuốc đắt tiền hơn, chi phí cao hơn, phối hợp nhiều loại thuốc. Cơ hội và tiên lượng cho người bệnh bị ảnh hưởng, nguy cơ tử vong tăng lên so với nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh” - theo ông Khuê.
Để chấm dứt lạm dụng và sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách, người dân chỉ dùng kháng sinh khi có đơn thuốc của bác sỹ; không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước hoặc không chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình cho người khác.
Tại Việt Nam, vấn đề kháng kháng sinh đang ngày càng trầm trọng. Kết quả khảo sát của ngành y tế cho thấy 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn kháng sinh được bán mà không có đơn. Hầu hết vi khuẩn kháng với kháng sinh, nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại, một số thậm chí kháng với tất cả kháng sinh. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm như E.coli.