Thực trạng lạm dụng truyền dịch mỗi khi mỏi mệt rất phổ biến trong một bộ phận người dân lâu nay. Bất chấp việc đã có không ít trường hợp gặp tai biến, thậm chí tử vong vì lạm dụng, tự ý truyền dịch khi người đang mệt.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thành phố vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH). Cụ thể, nữ bệnh nhân 20 tuổi có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau người nhưng thay vì tới viện thăm khám, bệnh nhân tự mua thuốc uống tại nhà. 3 ngày sau đó, gia đình mời nhân viên y tế tư nhân đến nhà truyền dịch cho bệnh nhân. Sau 2 ngày, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở, mệt mỏi, được gia đình đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai. Tối cùng ngày, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Dù đã được các bác sĩ tại đây tích cực điều trị, nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Gần đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng thông tin đã tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện do sốc phản vệ. Các bệnh nhân là H.T.S. (60 tuổi, ở Hợp Thành, Cao Lộc), N.Đ.X. (54 tuổi, ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) và Đ.T.D. (63 tuổi, ở Gia Cát, Cao Lộc) vào viện cùng một ngày trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, run chân tay, khó thở sau khi truyền dịch tại nhà. Những bệnh nhân này đã được cấp cứu, xử trí chống sốc và truyền dịch. Sau xử trí, các bệnh nhân ổn định sức khỏe và đã ra viện.
Theo các bác sĩ, việc tự ý truyền dịch khi người đang mệt mỏi là không khoa học. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải, truyền dịch là đưa vào cơ thể một lượng nước, các chất điện giải, chất dinh dưỡng như glucose, đạm, chất béo, vitamin. Tuy nhiên, dịch truyền có nhiều loại, mỗi loại lại có các thành phần, nồng độ khác nhau và phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện, khả năng để xử trí tai biến trong khi truyền.